26/07/2021 18:37 GMT+7

Vì sao Bộ Y tế rút công văn 5944 hướng dẫn dùng thuốc y học cổ truyền sau 2 ngày ban hành?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Sáng nay 26-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký thông báo rút công văn 5944 (cũng do ông Sơn ký ngày 24-7) do 'có một số nội dung không phù hợp'.

Trong phụ lục công văn 5944 có danh sách 26 sản phẩm thuộc 4 nhóm: sản phẩm sát khuẩn, thuốc xịt họng, sản phẩm phòng và hỗ trợ điều trị, sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe.

Tất cả đều được ghi rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất, cách dùng, đưa vào danh mục này nhằm hướng dẫn các bệnh viện, sở y tế "lựa chọn, tham khảo mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận tài trợ cho cơ sở khám chữa bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 và F1 tại địa phương" (khoản b, điều 1).

Hướng dẫn cả sản phẩm đang thử nghiệm

Quy định hiện hành của Bộ Y tế là không được kê toa thực phẩm chức năng, tuy nhiên phụ lục công văn 5944 của Bộ Y tế có mặt sản phẩm thực phẩm chức năng.

Đáng chú ý trong số này có sản phẩm nhãn hiệu K. của Công ty S.T.D., có mặt trong danh mục ở nhóm sản phẩm phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19. Ngày 20-9-2020, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế từng phát đi cảnh báo với thông tin quảng cáo sản phẩm này.

Cục An toàn thực phẩm cho rằng các quảng cáo K. có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm có công dụng hỗ trợ điều trị COVID-19, nhưng "Cục An toàn thực phẩm khẳng định thông tin như vậy là không chính xác. Không có loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị COVID-19".

Ở thời điểm hiện nay, Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế xác nhận sản phẩm K. đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 về tác dụng hỗ trợ cho bệnh nhân COVID-19, nhưng lại kịp có mặt trong phụ lục công văn của Bộ Y tế. 5 ngày trước khi công văn 5944 được ký, giá của sản phẩm đã được điều chỉnh từ 100.000 - 250.000 đồng/hộp lên 1 triệu đồng/hộp (từ 19-7).

Trước công văn 5944, Cục Quản lý y dược học cổ truyền, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các sở y tế hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền trong phòng và điều trị COVID-19.

Trong công văn này cũng hướng dẫn sử dụng sản phẩm K. cả dạng viên nang cứng và viên nang mềm. Tuy nhiên hướng dẫn của Cục Quản lý y dược học cổ truyền gửi ngày 24-6, ngày 25-6 Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế mới cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm viên nang cứng.

Điều đó có nghĩa Cục Quản lý y dược học cổ truyền hướng dẫn các địa phương sử dụng sản phẩm từ khi chưa được phép lưu hành. 

Đó là chưa kể trong danh mục có những sản phẩm chưa rõ cơ chế hỗ trợ cho bệnh nhân COVID-19, như sản phẩm hoạt huyết N.N.

Ngoài việc thị trường có nhiều sản phẩm hoạt huyết, vì sao công văn cấp bộ ban hành lại chỉ rõ tên sản phẩm hoạt huyết cụ thể, nhà sản xuất cụ thể, thì việc cấp bộ đưa sản phẩm chưa rõ cơ chế hỗ trợ, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 vào danh mục có thể khiến người dân hiểu sai, thực hành sai.

Nhiều bất thường

Việc Bộ Y tế ban hành một danh mục sản phẩm có tác dụng phòng bệnh, hỗ trợ điều trị, sát khuẩn, nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 trong lúc dịch đang nóng, nhiều F0, F1 cách ly tại nhà, nhiều người có nhu cầu phòng bệnh có thể tạo nên nhu cầu mua, tích trữ các thuốc trong danh mục mà Bộ Y tế đã "hướng dẫn".

Xung quanh câu chuyện này vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải, như vì sao các sản phẩm cụ thể này lại được đưa vào danh mục như hình thức chỉ định thầu, mà không phải là hướng dẫn chung về chủng loại sản phẩm có thể sử dụng?

Vì sao cơ quan quản lý nhà nước lại nhiều lần có văn bản hướng dẫn địa phương về các tên sản phẩm cụ thể, trong khi có sản phẩm được hướng dẫn chưa đủ điều kiện lưu hành (chưa có giấy phép)?

Cảnh báo sản phẩm giả mạo tác dụng điều trị COVID-19

Theo phản ánh đến đường dây nóng của Cục An toàn thực phẩm, thị trường đang xuất hiện 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo TOÀN LỘC (vỏ hộp màu đỏ) và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo NHẤT LỘC (vỏ hộp màu xanh), đều ghi có công dụng: kháng virus, kháng COVID-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống COVID-19,…

Chiều tối 26-7, Cục An toàn thực phẩm có thông báo khẳng định 2 sản phẩm có đặc điểm và công dụng nêu trên chưa đăng ký bản công bố tại cục. Như vậy, 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe như trên là giả mạo. Trong khi Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo:

1. Không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được COVID-19 hay kháng COVID-19.

2. Không có bất kỳ thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng "điều trị bệnh".

3. Người tiêu dùng phát hiện 2 sản phẩm ghi các công dụng và đặc điểm trên không mua, không sử dụng và báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất.

4. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở cần liên hệ ngay với cơ quan y tế để được hướng dẫn khám, điều trị kịp thời.

Bộ Y tế rút công văn 5944 Bộ Y tế rút công văn 5944 'chỉ định thầu' thuốc y học cổ truyền hỗ trợ điều trị COVID-19 'gây bão'

TTO - Chỉ 2 ngày sau khi ký ban hành, sáng sớm 26-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký thu hồi công văn 5944 - công văn 'gây bão' trên truyền thông và mạng xã hội từ sáng qua, do 'có một số nội dung chưa phù hợp'.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên