01/08/2019 10:39 GMT+7

Trách nhiệm với tương lai

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - 'Chúc mừng Lê Quang Kỳ, hết sức chia sẻ nỗi lo lắng cùng em trong gần hai tuần qua. Tổng điểm khối A1 của Kỳ rất cao: 8,6 + 8,5 + 9 = 26,1 điểm'.

Đó là dòng tin trên trang fanpage ghi danh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh) gửi đến cậu trò giỏi nhưng trước đó bất ngờ lại là học sinh duy nhất của trường suýt... rớt tốt nghiệp THPT.

Cậu học trò xuất sắc với hai lần đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, điểm thi toán, tiếng Anh đều rất cao, nhưng cả ba môn trong tổ hợp khoa học tự nhiên lại chỉ là điểm 0 tròn trĩnh. Nhờ phúc khảo, tổng điểm ba môn trong bài thi của Kỳ từ 0 nhảy lên... 20,5 điểm.

Tuy nhiên, Lê Quang Kỳ không phải là thí sinh duy nhất, cũng không phải là người có số điểm thay đổi nhiều nhất sau phúc khảo tại Tây Ninh. Hơn 30 thí sinh có điểm 0 các môn thi được trả về điểm thực nhờ phúc khảo, trong đó có thí sinh tăng đến hơn 21 điểm cho ba môn trong bài thi tổ hợp.

Đã có nghi vấn đặt ra: nguyên nhân sai sót nằm ở phần mềm chấm thi của bộ? Nhưng câu trả lời từ Bộ GD-ĐT là "không thể" vì nếu do phần mềm, sai sót sẽ không chỉ cá biệt ở Tây Ninh mà sẽ trải đều ở cả 63 tỉnh, thành trên cả nước. 

Nhưng nếu nói như Bộ GD-ĐT, 34 thí sinh với 58 bài thi bị điểm 0 ấy do thí sinh tô mờ đáp án, tô sai số báo danh, mã đề thì cũng chưa thỏa đáng khi đây là lỗi vẫn được cảnh báo, các hội đồng khác đều rà ra sai sót, tại sao chỉ riêng Tây Ninh lại mắc hàng loạt? 

Có những hội đồng phải chấm phúc khảo vài trăm bài trắc nghiệm mà không một bài thi nào thay đổi điểm, tại sao Tây Ninh lại ồn ào với mấy chục bài thi có mức tăng "khủng"?

Trong cuộc sống, sai sót nhiều khi là khó tránh. Nhưng sai sót ở một kỳ thi quan trọng, được chuẩn bị kỹ lưỡng - không chỉ từ phía Bộ GD-ĐT mà còn ở cả các địa phương - thì thật đáng trách. "Nếu làm hết trách nhiệm, sẽ không thể có chuyện bất thường như thế" - lãnh đạo một trường đại học lớn đã thốt lên đầy xót xa.

Khó có thể nói hết nỗi lo lắng của thí sinh và phụ huynh trong hai tuần thấp thỏm chờ kết quả phúc khảo. 

Cậu học sinh đã giành suất tuyển thẳng đại học hẳn đã thót tim khi thấy kết quả thi không đủ điểm tốt nghiệp của mình. Cần phải tìm rõ nguyên nhân xảy ra sai sót, rà soát cả về con người và kỹ thuật, phần mềm, kiểm soát chất lượng in của đề thi, rút ra bài học chung và xử lý trách nhiệm đến cùng.

Qua chuyện ở Tây Ninh, dư luận cũng đang đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải rà soát kỹ lưỡng hơn ở các địa phương, không để bất cứ thí sinh nào chịu thiệt thòi ở một kỳ thi mà chỉ nửa điểm thôi cũng có thể quyết định cánh cửa vào đời. 

Nhưng quan trọng hơn, đã đến lúc phải tính tới việc thiết kế lại kỳ thi quốc gia, thiết kế lại việc tuyển sinh đại học để chọn được người giỏi, chứ không phải thuần túy lựa người điểm cao ở một kỳ thi duy nhất trong năm. Có như vậy mới thể hiện được tầm nhìn xa và trách nhiệm với tương lai của ngành giáo dục.

Lỗi chấm thi, học sinh giỏi quốc gia 2 năm liền bị 0 điểm, suýt rớt tốt nghiệp Lỗi chấm thi, học sinh giỏi quốc gia 2 năm liền bị 0 điểm, suýt rớt tốt nghiệp

TTO - Do sai sót trong khâu chấm thi THPT quốc gia tại Tây Ninh, một học sinh giỏi quốc gia 2 năm liền bị 0 điểm và rớt tốt nghiệp THPT. May mắn em được chấm phúc khảo và được trả về điểm thật.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên