14/03/2015 11:58 GMT+7

​TP.HCM: bệnh viện cam kết không nằm ghép sau 24-48 giờ

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Ngày 13-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc với UBND TP.HCM về bảo hiểm y tế (BHYT) và giảm tải bệnh viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (giữa) xem sổ khám bệnh của bệnh nhân khi làm việc tại Bệnh viện Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: T.Dương

Nói về giảm tải bệnh viện, ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết tình trạng bệnh viện quá tải ở TP.HCM đã diễn ra từ nhiều năm qua và có xu hướng tăng dần mỗi năm.

Hằng năm ngành y tế khám và điều trị cho hơn 40 triệu lượt bệnh nhân, trong đó 40-60% người bệnh đến từ các địa phương khác.

Bệnh viện quận huyện công suất giường 90-100%

Theo ông Thượng, ngành y tế TP.HCM đã triển khai đồng bộ năm nhóm giải pháp giảm tải là tăng thêm giường bệnh, xây thêm bệnh viện mới, nâng cấp bệnh viện cũ, phát triển bệnh viện tư nhân; củng cố và phát huy năng lực bệnh viện quận huyện chưa sử dụng hết công suất giường bệnh; củng cố và phát triển mạng lưới khám chữa bệnh ban đầu ở trạm y tế; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho các tỉnh nhằm giảm chuyển tuyến về TP.HCM và thúc đẩy các bệnh viện cải tiến nâng cao chất lượng điều trị, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh.

Các biện pháp này đã mang lại hiệu quả giảm tải ở một số bệnh viện chuyên khoa sâu. Tuy nhiên, số bệnh nhân khám ngoại trú ở một số bệnh viện chuyên khoa và đa khoa lại tăng nhẹ.

Thời gian tới, ngành y tế TP.HCM tiếp tục triển khai năm nhóm giải pháp trên và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm, xây mới và nâng cấp các bệnh viện quận huyện...

Khuyến khích chăm sóc người bệnh BHYT tại nhà

Sáng 13-3, làm việc với Bệnh viện Bình Thạnh, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh mô hình chăm sóc cho bệnh nhân BHYT tại nhà nên được động viên, khuyến khích. TP.HCM là thành phố lớn nên nhu cầu người bệnh được chăm sóc tại nhà rất lớn. Bà Tiến cho rằng nên tiến hành thí điểm xây dựng mô hình này.

THÙY DƯƠNG

Báo cáo về việc không nằm ghép đối với bệnh nhân nội trú, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho hay gần 20 bệnh viện tuyến quận huyện của TP đã thu hút được người dân đến khám chữa bệnh và công suất giường bệnh 90-100%.

Ngoài ra, trong năm nay đã và sẽ có nhiều dự án y tế được khởi công xây dựng, trong đó có Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2.

Chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở đã được nâng cao, nhiều bệnh viện tuyến quận huyện được công nhận là bệnh viện hạng 1, hạng 2 và đã thực hiện được nhiều dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu.

Theo ông Bỉnh, hiện nay đã có nhiều bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của TP.HCM cam kết đảm bảo bệnh nhân không phải nằm ghép sau 24-48 giờ nhập viện...

Tuy nhiên, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thì chưa cam kết được vì quá tải nội trú ở hai bệnh viện này lên đến 140-180%.

Tỉ lệ bao phủ BHYT thấp

Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, đến hết năm 2014 TP có hơn 5,5 triệu người tham gia BHYT, đạt 69,18% dân số. Theo bà Huyền, việc thực hiện Luật BHYT sửa đổi còn gặp khó khăn.

Hiện mới có khoảng 33% diện BHYT hộ gia đình tham gia BHYT nhưng khi triển khai thực hiện cho nhóm đối tượng này lại bị vướng.

Cụ thể, quy định hiện nay chỉ có một số trường hợp được khai báo tạm vắng nhưng thực tế có nhiều trường hợp không còn ở tại gia đình nhưng không tách hộ khẩu, chuyển sang địa phương khác làm ăn sinh sống...

Những trường hợp này không có nhu cầu mua thẻ BHYT tại nơi cư trú nhưng không có cơ sở loại trừ khỏi diện tham gia BHYT theo hộ gia đình do công an không xác nhận tạm vắng.

Ngoài ra có rất nhiều người nhập cư sinh sống nhưng không đủ điều kiện cấp sổ tạm trú nên cũng không thể mua BHYT hộ gia đình...

Ông Nguyễn Minh Thảo - phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN - cho rằng tuy tỉ lệ người dân TP.HCM tham gia BHYT tăng trưởng tốt trong hai năm vừa qua, nhưng độ bao phủ BHYT còn thấp so với bình quân chung của cả nước là 71,6%.

Để đạt được chỉ tiêu 76% dân số tham gia BHYT trong năm nay và thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, năm 2015 TP.HCM phải tăng thêm hơn 500.000 người tham gia BHYT.

Bà Tống Thị Song Hương - vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - cũng đề nghị TP.HCM quan tâm chỉ đạo điều hành thực hiện Luật BHYT sửa đổi nhằm tăng tỉ lệ người dân được tham gia BHYT; quan tâm tháo gỡ vướng mắc cho đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình...

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng để thu hút người dân tham gia BHYT, giá dịch vụ y tế phải được tính đúng, tính đủ.

TP.HCM là địa phương cuối cùng của cả nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhưng điều chỉnh chỉ ở mức 75% của khung giá quy định thì “người dân các tỉnh tội gì không lên trên này vì giá dịch vụ y tế ở các tỉnh cao hơn TP.HCM” và như vậy là “bao cấp cả người nghèo lẫn người giàu”.

Theo bà Tiến, nếu không điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giá viện phí còn thấp như hiện nay thì người dân còn đi khám dịch vụ mà chưa tham gia BHYT. Chỉ khi nào giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ người dân mới tích cực tham gia BHYT.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên