09/10/2023 18:14 GMT+7

TP.HCM sẽ trình dự án khai thác quỹ đất vành đai 3 cuối 2023

TP.HCM lên kế hoạch rà soát, điều chỉnh quy hoạch để khai thác quỹ đất phụ cận, dọc tuyến vành đai 3.

Công trường dự án vành đai 3 TP.HCM (đoạn qua xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Công trường dự án vành đai 3 TP.HCM (đoạn qua xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) - Ảnh: CHÂU TUẤN

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch rà soát quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch dọc hai bên và vùng phụ cận dọc đường vành đai 3 TP.HCM. Việc này để phục vụ kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất, mang lại nguồn thu cho ngân sách TP.

Lãnh đạo TP giao thủ trưởng các sở ban ngành, chủ tịch UBND TP Thủ Đức, các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh cùng cơ quan liên quan triển khai đồng thời công việc.

Kế hoạch có sáu nhóm công việc. Trong đó, tháng 10-2023, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP cùng các địa phương xác định phạm vi nghiên cứu, rà soát quy hoạch bao gồm các khu vực dọc hai bên tuyến và vùng phụ cận đường vành đai 3.

Các sở ban ngành, địa phương rà soát, đánh giá tính khả thi và hiệu quả khai thác quỹ đất và đề xuất phương án, kế hoạch điều chỉnh quy hoạch. Phân nhóm các khu vực có thể điều chỉnh ngay trong năm 2023 theo hướng ưu tiên đất công, đất nông nghiệp tại khu vực ít dân cư...

Tháng 11, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP chủ trì phối hợp triển khai tiếp công tác điều chỉnh quy hoạch đối với các khu đất có khả năng hình thành trung tâm đa chức năng, các khu công nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ, nhà ở...

Lãnh đạo TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP báo cáo, tổng hợp về kế hoạch, lộ trình, thứ tự ưu tiên, để tổ chức thu hồi đất, thực hiện dự án theo quy hoạch. Đồng thời đề xuất lựa chọn ít nhất một dự án có thể triển khai ngay, trình HĐND TP vào cuối năm 2023.

Vành đai 3 TP.HCM dài 76km đi qua bốn địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án đã được khởi công vào tháng 6-2023 và đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Ngay từ khi triển khai dự án, TP.HCM cùng với các địa phương đã có kế hoạch rà soát quỹ đất, đấu giá tạo nguồn thu.

Theo kết quả rà soát sơ bộ trước đây, quỹ đất vùng phụ cận dọc đường đai 3 qua địa bàn TP.HCM có khoảng 2.413,4ha, trong đó khoảng 514ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý. 

Với phạm vi đất nông nghiệp, dự kiến có thể khai thác bán đấu giá thu hồi khoảng 26.985 tỉ đồng.

Từ ngày 1-8, nghị quyết 98 bắt đầu có hiệu lực, mở ra cơ chế cho TP.HCM khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo nguồn thu cho ngân sách tái đầu tư hạ tầng. Nghị quyết 98 cho phép TP phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) dọc tuyến vành đai 3 và các tuyến đường sắt đô thị.

Phát triển đô thị mô hình TOD ở TP.HCM: Thí điểm ở metro số 1, vành đai 3Phát triển đô thị mô hình TOD ở TP.HCM: Thí điểm ở metro số 1, vành đai 3

Ngày 11-8, Sở Giao thông vận tải TP.HCM họp với các sở ngành địa phương về góp ý đề án phát triển đô thị theo mô hình TOD áp dụng các cơ chế từ nghị quyết 98.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên