Chiều 11-5, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) cho biết vật liệu cát đắp nền cho dự án vành đai 3 đã sẵn sàng hơn 5,8 triệu m3 (đạt khoảng 80,5%).
Theo báo cáo của tổ công tác vật liệu liên tỉnh, toàn dự án vành đai 3 cần khoảng 7,2 triệu m3 cát đắp nền. Hiện nguồn cát đắp nền đã đáp ứng khoảng 5,8 triệu m3 để khởi công và thi công dự án trong các năm 2023, 2024 và đầu năm 2025.
Riêng đối với 1,4 triệu m3 còn lại thi công năm 2025, tổ công tác làm việc với các địa phương về các mỏ có thể cung cấp đầy đủ khối lượng này để tiếp tục tiến hành thủ tục liên quan Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - khẳng định việc sẵn sàng nguồn cát đắp nền rất quan trọng với toàn dự án, đảm bảo thi công liên tục đến hoàn thành dự án.
Trước đó, TP.HCM gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm nguồn cung cấp cát đắp nền do nhiều dự án trọng điểm đang triển khai cùng lúc. Trong khi những nguồn vật liệu khác đã có thì các đơn vị vẫn lo thiếu cát đắp nền.
Giữa tháng 2-2023, TP.HCM ra công văn gửi UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp về hỗ trợ để đảm bảo nguồn cung cấp vật liệu dự án đường vành đai 3 TP.HCM.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đề nghị UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước quan tâm và sớm có chủ trương cho phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng, cát đắp nền) tại khu vực hồ Dầu Tiếng.
Nỗ lực khởi công vành đai 3 trong tháng 6-2023
Dự án vành đai 3 TP.HCM dài 76km là công trình quan trọng quốc gia, chuẩn bị khởi công vào tháng 6-2023. Vành đai 3 hoàn thành giúp tăng kết nối giao thông, người dân đi lại thuận tiện, thúc đẩy sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Do đó, việc chuẩn bị đủ nguồn vật liệu là yếu tố rất quan trọng để thi công, đảm bảo hoàn thành dự án theo yêu cầu của Chính phủ và sự kỳ vọng của nhân dân.
Đến nay, TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh đã phê duyệt chính sách bồi thường hỗ trợ, tái định cư của dự án.
TCIP chuyển kinh phí bồi thường đợt 1 cho các địa phương nói trên với số tiền hơn 5.624 tỉ đồng. Dự kiến các địa phương đảm bảo bàn giao 70% mặt bằng trong tháng 6-2023 đáp ứng tiến độ 4 gói thầu xây lắp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận