Kỳ họp đã thông qua nghị quyết thực hiện dự án nâng cấp tĩnh không cầu Bình Triệu 1 (vốn đầu tư 133 tỉ đồng) và cầu Bình Phước 1 (vốn đầu tư 111 tỉ đồng), tại tờ trình số 1410 và 1411 của UBND TP.
Về lý do cần nâng cấp tĩnh không hai cây cầu này, UBND TP.HCM cho biết hiện tại cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 chưa đáp ứng được tĩnh không thông thuyền theo quy hoạch (đa số các cầu ở sông Sài Gòn đạt từ 7m trở lên).
Do đó việc nâng tĩnh không hai cây cầu này là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của quy hoạch hạ tầng tiêu chuẩn quốc gia.
Đồng thời, việc này cũng giảm thiểu nguy cơ tàu thuyền xảy ra va chạm với dầm và mặt cầu, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tăng cường kết nối vùng.
Cũng tại kỳ họp này, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua nghị quyết điều chỉnh đầu tư dự án cải tạo mở rộng đường Trương Quốc Dung (quận Phú Nhuận) và nâng cấp đường Cao Lỗ (quận 8).
Dự án cải tạo mở rộng đường Trương Quốc Dung có tổng chiều dài công trình là 459,74m (từ số 74 Trương Quốc Dung đến đường Trần Hữu Trang). Lòng đường rộng 5,7m, vỉa hè 2m, mặt cắt ngang được phê duyệt là 8m.
Dự án sẽ được điều chỉnh vốn từ ngân sách quận thành nguồn vốn ngân sách thành phố; tăng quy mô đầu tư để bổ sung công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tăng tổng mức đầu tư dự án từ 73,853 tỉ đồng lên 95,301 tỉ đồng. Đồng thời, điều chỉnh dự án nhóm C thành dự án nhóm B, thời gian làm dự án từ 2018-2020 thành 2018-2025.
Đối với dự án nâng cấp đường Cao Lỗ (nâng cấp đoạn từ đường Phạm Thế Hiển đến rạch Du), xây dựng cầu ngang qua rạch Du với chiều dài 24,8m, quy mô 2 làn xe, khổ cầu 10m; điều chỉnh mức đầu tư dự án trên từ 297,630 tỉ đồng lên 395,662 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2016-2020 lên 2016-2025.
Theo UBND, sở dĩ có sự điều chỉnh của hai dự án trên do chênh lệnh giá đất giữa thời điểm lập báo cáo đề xuất ban đầu (chỉ dựa trên kết quả khảo sát sơ bộ giá đất chuyển nhượng trên thị trường - PV), nên đơn giá bồi thường về đất của dự án còn thấp.
Ngoài ra, còn gặp một số vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng, xác minh nguồn gốc đất và cũng để phù hợp với tiến độ thực hiện của dự án hiện nay.
Cùng ngày, HĐND TP.HCM khóa X đã có nghị quyết chỉnh dự án chống ngập khu Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè.
Cụ thể, quy mô dự án là nâng nền, xây đường, sửa chữa cải tạo khối cũ, chống ngập trên diện tích khoảng 14.000m2 và các hạng mục phụ. Thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh từ 2017-2019 lên 2017-2025.
Chi gần 300 tỉ đồng nâng cấp 146 trạm y tế
Ngày 18-4, tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua nghị quyết đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 trạm y tế tuyến xã.
Việc nâng cấp 146 trạm y tế tuyến xã do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư.
Các trạm y tế thực hiện dự án ở 20 quận, huyện bao gồm: quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 8, quận 10, quận 11...
Trước đó, ngày 11-4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã có tờ trình gửi HĐND TP về quyết định chủ trương đầu tư dự án "Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 trạm y tế tuyến xã, TP.HCM".
Tổng vốn dự án cho 20 trạm y tế các quận, huyện là 296 tỉ đồng, nguồn vốn từ ngân sách trung ương thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian từ năm 2023-2025.
Trong 146 dự án y tế này sẽ có 140 trạm được sửa chữa trên hiện trạng hiện hữu và 6 trạm xây mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận