Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên trên địa bàn TP Thủ Đức kết nối nhiều khu dân cư, cảng biển, khu công nghệ... - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo đó, dự án kết nối các tuyến xe buýt trong thành phố với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được Sở Giao thông vận tải TP đề xuất UBND TP đầu tư từ năm 2019.
Dự án đầu tư trạm dừng, điểm đón trả khách, trạm xe buýt, nhà chờ, nhà để xe... với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 118,5 tỉ đồng từ ngân sách TP, tuy nhiên đến nay vẫn đang trong quá trình xem xét chủ trương đầu tư dự án. Khó khăn do thời gian xin chủ trương đầu tư kéo dài và hạn chế nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Sở Giao thông vận tải TP cũng cho biết hiện TP đang có 136 tuyến xe buýt (91 tuyến có trợ giá, 35 tuyến không trợ giá) và chưa đưa vào hoạt động tuyến xe buýt nhanh BRT nào.
Tuyến BRT số 1 đang trong giai đoạn rà soát lại do không đảm bảo thời gian điều chỉnh hiệp định vay để phù hợp với thay đổi thiết kế tuyến BRT số 1. Các tuyến còn lại trong quy hoạch 6 tuyến mới chỉ đang nghiên cứu.
"Trong khi đó tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vận hành vào năm 2023 và tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương) hoàn thành vào năm 2026, vì thế việc kết nối các tuyến xe buýt với hai tuyến metro cần được triển khai sớm để tăng sự kết nối, hoàn chỉnh hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân", Sở Giao thông vận tải TP nêu.
Việc kết nối các tuyến xe buýt vào metro đang được nghiên cứu trong công tác tổ chức lại mạng lưới xe buýt. Qua rà soát, có 11 tuyến xe buýt hiện hữu (6, 10, 30, 52, 53, 55, 56, 104, 150, 603 và 604) trùng lặp với hành lang của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), cự ly trùng lặp đều trên 8km.
Sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, các tuyến xe buýt này sẽ được điều chỉnh hành trình để tăng kết nối với tuyến metro số 1.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận