19/06/2021 18:20 GMT+7

TP.HCM chưa giãn cách theo chỉ thị 16, chỉ phong tỏa 6 khu phố

TIẾN LONG - TUYẾT MAI
TIẾN LONG - TUYẾT MAI

TTO - Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM chưa quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 toàn TP.HCM, mà chỉ phong tỏa 6 khu phố thuộc quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.

TP.HCM chưa giãn cách theo chỉ thị 16, chỉ phong tỏa 6 khu phố - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức trả lời báo chí trong cuộc họp báo trực tuyến chiều 19-6 - Ảnh: TIẾN LONG

Thông tin được đưa ra tại buổi họp báo do UBND TP.HCM tổ chức chiều 19-6. 

Buổi họp báo thông tin diễn biến mới về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP, đồng thời thông tin một số chỉ đạo về thực hiện nghiêm một số biện pháp trên tinh thần các chỉ đạo giãn cách theo chỉ thị 15 của Thủ tướng...

Phong tỏa 6 khu phố, không áp dụng cứng các chỉ thị

Trao đổi về việc TP có quyết định giãn cách theo chỉ thị 16, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức - phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM - cho biết TP.HCM hiện nay tình hình dịch phức tạp. Qua thời gian giãn cách, ổ dịch lớn nhất là nhóm truyền giáo Phục Hưng cơ bản đã được kiểm soát sau khi có hơn 520 ca lây. 

Tuy nhiên thời gian qua, TP.HCM phát sinh ca nhiễm mới, trong đó có Bình Tân, Hóc Môn. Do đó, TP.HCM đã quyết định các biện pháp chống dịch quyết liệt hơn.

Ông Đức cho biết lý do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP họp hôm nay là do việc thực hiện các biện pháp giãn cách thời gian qua chưa thực sự nghiêm. Ban chỉ đạo họp để chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm những chỉ đạo của UBND TP đưa ra, tăng cường giãn cách và tốc độ xử lý các ca nhiễm phát sinh.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đưa ra một số giải pháp tăng cường bổ sung một số quy định về giãn cách. Trong đó thực hiện các biện pháp mạnh ở một số điểm trọng điểm. Trong đó, thiết lập phong tỏa khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc (quận Bình Tân) và ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3, ấp Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn). Đây là hai nơi được đánh giá là dịch đang nguy hiểm, phải phong tỏa.

Người dân trong khu vực phong tỏa thì ở đâu ở đó, không đi ra đi vào và tự cách ly giữa các gia đình.

Giải thích thêm về việc áp dụng các chỉ thị trong việc giãn cách, ông Đức cho biết TP sẽ áp dụng những biện pháp phù hợp với tình hình của TP chứ không phải theo các chỉ thị.

Cụ thể, tình hình dịch của TP khác so với thời điểm tháng 3-2020 (khi có chỉ thị 15, 16). Thời điểm này các chỉ thị được áp dụng trên toàn quốc. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, TP.HCM sẽ không áp dụng cứng các giải pháp ở các chỉ thị.

Thay vào đó, TP sẽ cân nhắc áp dụng phù hợp với hoàn cảnh của thành phố tương ứng theo 4 mức độ do Bộ Y tế đưa ra: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ và mức độ bình thường mới. Những nơi có nguy cơ cao nhất, TP.HCM sẽ áp dụng biện pháp phong tỏa.

Trả lời câu hỏi tại sao không phong tỏa toàn quận, ông Dương Anh Đức cho biết nếu áp dụng phong tỏa toàn quận, huyện sẽ khó khăn về mặt tổ chức và cả cho người dân trong địa bàn phong tỏa.

Theo ông Đức, theo phương châm chống dịch của Chính phủ ban đầu sẽ khoanh vùng rộng sau đó phong tỏa hẹp để giảm tối đa ảnh hưởng đời sống người dân.

Theo phân tích thực tế của các cơ quan chức năng, các quận huyện, đặc biệt tại TP.HCM, có dân số đông, địa bàn rộng nên tình hình dịch từng địa phương quận, huyện rất khác nhau.

Ví dụ, mặc dù ca nhiễm trên địa bàn Bình Tân lớn (trên 200 ca) nhưng tập trung chủ yếu trong khu vực phường An Lạc và một phần phường bên cạnh, còn phường khác tình hình không khác bao nhiêu so với địa phương khác.

Việc áp dụng phong tỏa tại các khu phố nhằm đưa ra biện pháp triệt để hơn rất nhiều so với các biện pháp đưa ra ở các chỉ thị. TP nhận định với biện pháp mạnh này trong thời gian ngắn sẽ cắt đứt các chuỗi lây nhiễm có thể có vì đã giảm tối đa việc giao lưu, tiếp xúc trong khu vực phong tỏa.

Riêng phần còn lại của TP.HCM vẫn áp dụng theo các biện pháp đã được nêu trong chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP trước đó theo tinh thần chỉ thị 15+.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho hay hôm nay 19-6, TP sẽ có chỉ thị riêng bổ sung thêm một số quy định, trong đó vừa nới bớt một số quy định, nhưng cũng bổ sung thêm một số quy định khác chặt chẽ hơn.

Trong đó, bổ sung thêm biện pháp về mặt chuyên môn để đảm bảo dập dịch hiệu quả, nâng hiệu quả xét nghiệm của hệ thống y tế thành phố lên 500.000 mẫu/ngày.

Với tốc độ này kỳ vọng sau một tuần nhìn thật rõ mối nguy cơ tiềm ẩn mà lực lượng chức năng chưa test tới tới, cũng như tạo điền kiện để các lực lượng chức năng có thể quay lại tầm soát những nơi đã test trước đó.

"Chúng ta phải tăng hơn gấp đôi công suất so với thời gian trước đã làm, giới hạn tối đa việc tiếp xúc. Trong đó cơ quan nhà nước làm gương trước, ngưng các cuộc họp không thiết yếu, nếu họp trực tuyến được thì ưu tiên họp trực tuyến, điều chỉnh quy định giãn cách còn 1,5m (trước đây 2m) và không tụ tập quá 3 người (thay vì 5 người)", ông Đức nhấn mạnh.

Ngưng chợ tự phát, dừng vận chuyển hành khách công cộng

TP.HCM chưa giãn cách theo chỉ thị 16, chỉ phong tỏa 6 khu phố - Ảnh 2.

Chợ tự phát gần Công ty PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Từ Lương - phó Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới những ngày gần đây lần đầu tiên vượt qua 3 con số. Dự báo trong tuần tới sẽ còn nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, đòi hỏi các ngành các cấp phải tập trung phòng chống dịch trong tuần cao điểm

Theo ông Lương, thời gian qua khi tổ chức thực hiện việc giãn cách theo chỉ thị 15 có nơi chưa nghiêm túc. TP sẽ bổ sung biện pháp mạnh cho những địa bàn có ca nhiễm nhiều, tăng cao.

Ngoài thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP trước đó, chỉ thị mới của Chủ tịch UBND TP cơ bản có các điểm mới:

Thứ nhất, tạm dừng các loại hình dịch vụ, kinh doanh không cần thiết và ngưng hoạt động chợ tự phát. Riêng các chợ truyền thống sẽ giao Sở Công thương hướng dẫn các quận huyện áp dụng các biện pháp giãn cách để đảm bảo an toàn.

Đồng thời dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy nội địa).

Thứ hai, không tụ tập 3 người đối với nơi công cộng ngoài công sở, phạm vi bệnh viện, trường học (hiện nay quy định 5 người), yêu cầu giữ khoảng cách giãn cách tối thiểu 1,5m (hiện nay quy định 2m).

Thứ ba, yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp đặc biệt khác.

Thứ tư, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân và nhà máy phân xưởng hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động với nhau tối thiểu 1,5m, đeo khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện khử trùng, khử khuẩn, đảm bảo thông thoáng thường xuyên và có văn bản cam kết tuân thủ phòng chống dịch gửi cho UBND cấp quận, huyện và TP Thủ Đức nơi nhà máy, phân xưởng đó đặt trụ sở...

Thứ năm, các cơ sở, đơn vị nhà nước đảm bảo đúng quy định về giãn cách trong quy trình làm việc, các công ty, tập đoàn bao gồm các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết công việc thực sự cần thiết, và tuyệt đối thực hiện quy định 5K của ngành y tế.

Thứ sáu, dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hợp phải tổ chức hội họp, không được tập trung quá 10 người trong 1 phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng được chính quyền địa phương cho phép và phải tuân thủ tuyệt đối quy định 5K của ngành y tế.

Trước đó sáng 19-6, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 94 ca mắc COVID-19 mới, trong đó TP.HCM với 40 ca là nhiều nhất trong các địa phương. Trưa cùng ngày, thành phố tiếp tục ghi nhận 64 ca mắc mới.

Dù đã áp dụng giãn cách toàn TP.HCM theo chỉ thị 15 hơn 2 tuần nhưng số ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM vẫn ngày càng tăng, trong đó có nhiều ca mới không rõ nguồn lây. Nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM cần phải có biện pháp chống dịch mạnh hơn trong những ngày tới mới chặn đứng được dịch lây lan.

Liên quan đến chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19, hôm nay (19-6), TP.HCM đã khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay.

Theo đó, chiến dịch tiêm chủng bắt đầu tại Công ty FPT Software TP.HCM (lô E3-2.34.5, đường D2, Khu công nghệ cao TP.HCM, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức), với khoảng 400 - 500 người được tiêm.

Để thực hiện chiến dịch tiêm chủng an toàn trong thời gian ngắn (5-7 ngày), ngành y tế thành phố huy động 13 nhóm cơ sở y tế, bao gồm cơ sở y tế phường xã đến trung ương; các bệnh viện công lập và tư nhân; các viện và hệ thống tiêm chủng của VNVC.

TP.HCM tạm thời đóng cửa Big C Miền Đông đường Tô Hiến Thành vì ca F0 vào mua sắm TP.HCM tạm thời đóng cửa Big C Miền Đông đường Tô Hiến Thành vì ca F0 vào mua sắm

TTO - Sáng 19-6, cơ quan chức năng đã tạm thời phong tỏa Big C Miền Đông (268 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10) do có ca F0 vào mua sắm dẫn đến một số nhân viên của siêu thị này trở thành F1, buộc phải lấy mẫu xét nghiệm và tạm ngưng kinh doanh 3 ngày.

TIẾN LONG - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên