Hãng tàu lớn mong muốn hợp tác đầu tư
Theo đề án, vị trí cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Nơi đây nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
Ngắm phối cảnh siêu cảng Cần Giờ, trước ngày trình lên Thủ tướng
Cảng thuộc Vùng kinh tế động lực phía Nam là vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng trung chuyển quốc tế.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Bên cạnh đó sẽ thu hút các dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực, góp phần thúc đẩy sự hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đặt trong chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước, bổ sung cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và nâng tầm toàn bộ cụm cảng biển số 4 thành một trung tâm cảng biển quốc gia, tầm quốc tế trong tương lai...
Ngoài các yêu cầu về vị trí địa lý chiến lược, điều kiện tự nhiên thuận lợi, yếu tố quan trọng để hình thành, phát triển thành công một cảng trung chuyển quốc tế là cần có sự quan tâm của hãng tàu lớn trên thế giới.
Thời gian qua, hãng tàu MSC (hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay) đang rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư tại cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Việc hãng tàu lớn nhất thế giới quan tâm hợp tác đầu tư chứng tỏ tính hấp dẫn của vị trí cảng.
Khai thác giai đoạn 1 trước năm 2030
Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua, dự kiến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn.
Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2 khu bến chính/7 khu bến chính). Giai đoạn 2 (sau năm 2030 - 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các khu bến chính còn lại.
Về nguồn vốn, cảng trung chuyển, khu công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan sẽ đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư).
Còn hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác...
Khi hình thành, cảng sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, lao động tại cảng và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics... Ở giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, dự kiến cảng sẽ đóng góp trực tiếp cho ngân sách từ 34.000 - 40.000 tỉ đồng/năm.
Theo UBND TP.HCM, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ là cảng xanh. Việc phát triển cảng sẽ đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng; đảm bảo các yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ giữ gìn hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Hiện thực hóa nghị quyết về phát triển TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ
Cảng Cần Giờ đã có từ lâu trong ý tưởng, quy hoạch và xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Việc xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ là để hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tháng 1-2023, UBND TP.HCM đã giao Sở Giao thông vận tải TP.HCM (tổ trưởng tổ công tác xây dựng đề án) chủ trì, phối hợp sở ban ngành, đơn vị liên quan lập đề án.
Tổ công tác cũng đã tham vấn chuyên gia hàng đầu về xây cảng của quốc tế, nghiên cứu thực tế trao đổi kinh nghiệm về cảng trung chuyển và khu thuế quan ở TP Hải Phòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận