Chiều 26-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 2, tổ chức tại TP.HCM. Hội nghị nhằm nghe và thảo luận về quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhận định Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, với hạt nhân là TP.HCM.
Vùng là nơi tập trung nguồn lực lớn nhất và có trình độ phát triển đứng đầu cả nước, là nền tảng quan trọng cho đột phá phát triển trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ cũng đang đối diện trước những thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Đề cập một số dự án lớn trong vùng Đông Nam Bộ đang được dư luận quan tâm, Thủ tướng đặc biệt dành thời gian nói về dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo Thủ tướng, định hướng quy hoạch đang xây dựng cảng trung chuyển quốc tế của vùng bao gồm cảng Cái Mép và Cần Giờ, không phải Cái Mép riêng, Cần Giờ riêng. Hai cảng này sẽ kết hợp tạo thành trung tâm logistics lớn của vùng và của cả nước.
"Chúng tôi đã đi khảo sát rồi, Cái Mép và Cần Giờ nằm hai bên sông Thị Vải, một bên làm rồi, bên còn lại làm có gì đâu, buôn có bạn, bán có phường. Chúng ta thành lập các cảng trung chuyển nhằm tạo ra trung tâm logistics đủ lớn mạnh để cạnh tranh với các trung tâm logistics lớn của thế giới, chứ không phải để hai cảng này cạnh tranh nhau", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về các ý kiến trái chiều, Thủ tướng cho rằng: "Khi đưa ra một chủ trương lớn, vượt tầm, có tính chất đột phá, xoay chuyển tình thế không thể có sự đồng thuận hết, mà nếu chờ đồng thuận hết thì chẳng bao giờ làm được. Tư duy khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau".
Theo Thủ tướng, khi nói giải pháp đổi mới, đột phá, vượt lên trên, cần chấp nhận ý kiến khác nhau. Ví dụ khi làm đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Vườn quốc gia Cúc Phương (tiếp giáp Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa) có nhiều ý kiến tranh luận, mãi 5 năm sau mới làm được.
Đến nay nhìn lại, ý kiến của ai cũng đúng cả. Nếu không làm cũng đúng, nhưng không làm thì cũng sẽ khó có tuyến đường kết nối, tạo động lực phát triển khu vực Tây Bắc Bộ.
"Đã đưa ra giải pháp đổi mới, đột phá thì chuyện có ý kiến khác nhau là bình thường, vấn đề làm sao chúng ta giải trình được và thấy đó là việc có lợi cho dân cho nước cứ thế mà làm", Thủ tướng nhấn mạnh, và đề nghị tổ chức các hội thảo để cùng các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ, nghe các ý kiến phản biện, sau đó tiếp thu, giải trình.
Về lo ngại vấn đề môi trường, ảnh hưởng hệ sinh thái rừng ngập mặn, Thủ tướng nói: "Bối cảnh hiện tại không phải quá khó khăn như khi làm đường Hồ Chí Minh. Hiện nay về tư duy, công nghệ, kinh nghiệm, nguồn lực chúng ta đủ sức để làm. Điều quan trọng là đưa ra giải pháp tốt nhất để giữ được rừng nguyên sinh, tạo sự kết nối giữa Cần Giờ và quốc tế, phát triển giao thông xanh".
Tạo kết nối quốc tế thông qua cảng trung chuyển, sân bay quốc tế
Phát biểu tại hội nghị, TS Vũ Thành Tự Anh, giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, nhìn nhận quy hoạch vùng Đông Nam Bộ chỉ mang tính "bình bình", trong khi đó quy hoạch phải có tầm nhìn, cách tiếp cận khác.
Theo ông Tự Anh, vùng Đông Nam Bộ có cực tăng trưởng quan trọng nhất cả nước nhưng những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của vùng thấp hơn mức trung bình cả nước. Đây là sự thất bại chung của cả nước chứ không chỉ riêng Đông Nam Bộ.
Do vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất là làm thay đổi tốc độ tăng trưởng của vùng, để vùng thực sự là đầu tàu tăng trưởng kéo theo, dẫn dắt nền kinh tế cả nước. Muốn vậy, cần phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng của vùng.
Trong đó, cơ sở hạ tầng, đô thị cần kết nối liên vùng, kết nối quốc tế thông qua cảng trung chuyển, sân bay quốc tế. Đồng thời các loại hình dịch vụ mới như trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo sức sống mới cho nền kinh tế.
Nếu chậm trễ việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM, cơ hội mở ra cho TP.HCM và Việt Nam sẽ bị khép lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận