11/03/2024 20:37 GMT+7

Định hướng mới cho các cảng biển Cần Giờ, cảng TP.HCM

Thông tin được nêu trong cuộc họp của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo đề án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào chiều 11-3.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp - Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp - Ảnh: VGP

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.330 đến 1.612 triệu tấn (tăng khoảng 190 triệu tấn), hành khách từ 17,4 đến 18,8 triệu lượt (tăng 7,3 - 8,5 triệu lượt). Lượng hàng trung chuyển container quốc tế dự kiến khoảng 4,1 triệu TEU.

Đến năm 2050, năng lực hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 4,2 đến 4,8%/năm (tăng từ 0,2 - 0,3%).

Ngoài các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế được ưu tiên phát triển như Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), quy hoạch phấn đấu xây dựng bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; cảng biển TP.HCM từ cảng biển loại 1 được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt; bổ sung nhu cầu hàng hóa trung chuyển quốc tế qua khu bến Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) khoảng 0,5 - 1 triệu TEU năm 2030.

Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 351.500 tỉ đồng, tăng 38.500 tỉ đồng; ưu tiên thêm dự án hạ tầng công cộng của khu bến cảng ngoài khơi Trần Đề, bến trung chuyển quốc tế Cần Giờ. 

Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trên là rà soát, sửa đổi các quy định, cơ chế khuyến khích đầu tư. Khai thác cảng theo mô hình cảng xanh, cảng thông minh, sử dụng nhiên liệu sạch, xanh, ít phát thải hoặc không phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường...

Theo ý kiến từ các bộ ngành, địa phương, đề án cần tăng cường kết nối đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, các phương thức vận tải, cơ sở dịch vụ logistics... 

Mục tiêu nhằm không để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả, lãng phí nguồn lực, giảm sức cạnh tranh của cảng biển Việt Nam. 

Đồng thời cần làm rõ luận cứ bổ sung khu trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mối quan hệ giữa cảng biển TP.HCM với cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu; phương án nâng cao năng lực trung chuyển quốc tế của khu bến Liên Chiểu

Nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tác động của hệ thống cảng biển đến môi trường, hệ sinh thái; đánh giá, dự báo thị trường dịch vụ hàng hải, cảng biển của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới…

Đồng tình với các ý kiến góp ý liên quan đến nội dung bổ sung bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; tăng khối lượng hàng hóa trung chuyển quốc tế qua khu bến Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) khoảng 0,5 - 1 triệu TEU năm 2030, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tính toán, làm rõ một số vấn đề. 

Trong đó có việc điều chỉnh các bến cảng trung chuyển quốc tế trong mối quan hệ, chia sẻ lợi ích với những cảng biển cửa ngõ, trung chuyển quốc tế hiện nay, cũng như các nhóm cảng biển khác và hệ thống giao thông kết nối, hạ tầng dịch vụ hậu cần, kỹ thuật.

"Đầu tư cảng biển trong thời gian tới phải tuân theo các tiêu chí xanh, năng lượng xanh, hạ tầng số… đặt trong lợi ích của các nhóm cảng biển, cũng như lợi ích của vùng, quốc gia", Phó thủ tướng nói. 

Tập đoàn vốn 250 tỉ USD của UAE muốn đầu tư hợp tác cảng biển, đô thị thông minhTập đoàn vốn 250 tỉ USD của UAE muốn đầu tư hợp tác cảng biển, đô thị thông minh

Nhiều tập đoàn lớn của UAE và Na Uy bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng, cảng biển, chuyển đổi số và điện gió ngoài khơi.

 

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên