Một ca mắc sốt xuất huyết mức độ nặng từng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hồi năm 2020 - Ảnh: XUÂN MAI
Thông tin này được cho biết tại Hội nghị giao ban trực tuyến lĩnh vực y tế dự phòng do Sở Y tế TP.HCM tổ chức ngày 9-3, nhằm đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian qua và đề ra nhiệm vụ, phương hướng sắp tới.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết thời gian qua ngành y tế đã chủ động thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh. Số liệu tháng 2-2022 cho thấy số ca mắc sốt xuất huyết giảm 40%, tay chân miệng giảm 98% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên do mùa mưa sắp tới sẽ tiềm ẩn nguy cơ gia tăng bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, khi trường học hoạt động trở lại sẽ là nguy cơ bệnh tay chân miệng, song song với bệnh COVID-19 đang tăng nhanh hiện nay.
Đối với số ca mắc, nghi mắc COVID-19 trong trường học, tại buổi giao ban trực tuyến với các quận, huyện và TP Thủ Đức về công tác phòng chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết tổng số ca nghi mắc trong tuần qua là gần 37.500 trường hợp, cao gần gấp đôi so với tuần trước (gần 19.500 ca). Số ca nghi mắc tăng đều ở các khối, trong đó khối tiểu học vẫn cao hơn các khối còn lại.
HCDC cho biết thêm trong thời gian tới, trung tâm y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức cần tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc kiểm soát dịch bệnh trong trường học.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Hưng, phó giám đốc Sở Y tế, ghi nhận những nỗ lực của tất cả các đơn vị thuộc lĩnh vực y tế dự phòng trong thời gian qua. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị triển khai tốt đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, chú ý không bỏ sót nhóm nguy cơ là trẻ em có yếu tố bệnh nền; phát triển hệ thống giám sát, thu thập dữ liệu đầy đủ, kịp thời nhằm có đủ nguồn thông tin đánh giá, dự báo ứng phó dịch bệnh.
Phó giám đốc Sở Y tế TP cũng yêu cầu địa phương cần rà soát công tác tiêm chủng phòng COVID-19, tăng cường giám sát việc nhập liệu thông tin trên Hệ thống tiêm chủng quốc gia, thường xuyên theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Thêm vào đó, để chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi, địa phương cần tăng cường truyền thông đến phụ huynh học sinh về tầm quan trọng và lợi ích của vắc xin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận