Trẻ mắc bệnh tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online trưa 6-4, các bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 đều cho biết số trẻ mắc tay chân miệng đang điều trị tại bệnh viện tăng nhanh trong những ngày gần đây với nhiều ca bệnh nặng.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Dư Tuấn Quy - phó trưởng khoa nhiễm - thần kinh - thông tin hiện khoa đang điều trị 40 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó có 8 trẻ mắc độ 3. So với tuần trước tăng gấp 1,6 lần.
Theo số liệu thống kê Bệnh viện Nhi đồng 1, tỉ lệ trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại bệnh viện vào tháng 3 năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Dự đoán trong tháng 4 này, tỉ lệ trẻ mắc tay chân miệng có khuynh hướng tăng.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Đỗ Châu Việt - trưởng khoa nhiễm - cho hay hiện đang điều trị 36 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 6 ca độ 2B và có đến 2/3 bệnh nhi ở các tỉnh thành khác chuyển đến. Dự kiến số ca mắc tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, chưa có vắc xin dự phòng. Tháng 3, 4 hằng năm là thời điểm bệnh tay chân miệng tăng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 - nhận định: "Nếu trẻ không được phòng bệnh hay phòng bệnh chưa đúng cách thì cuộc chiến với bệnh này có thể sắp bắt đầu".
Để phòng bệnh tay chân miệng, các bác sĩ khuyến cáo trẻ cần được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; ăn chín uống sôi; các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập... phải thường xuyên lau sạch; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Nếu phát hiện sớm trẻ có các biểu hiện như thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, co giật, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, da nổi bông hoặc xanh tái, sốc... cần cách ly với các trẻ khác và nhanh chóng đưa trẻ nhập viện.
Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng gia tăng báo động, Sở Y tế và HCDC đã xây dựng kế hoạch giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống bệnh tay chân miệng hằng tuần tại các quận huyện có số ca báo động.
Bác sĩ Lê Hồng Nga - trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm HCDC - cho biết đây là hoạt động thường quy được phân cấp cho từng tuyến.
Các trung tâm y tế quận, huyện và trạm y tế phường, xã chủ động giám sát và xử lý các ca bệnh ổ dịch trên địa bàn. HCDC giám sát tình hình dịch bệnh của toàn thành phố và hỗ trợ các địa phương xử lý các ổ dịch có nguy cơ lan rộng hoặc kéo dài.
"Vai trò chính trong chủ động phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ chính là của gia đình và nhà trường, trong đó cần thường xuyên rửa tay và vệ sinh khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi của trẻ" - bác sĩ Nga khuyến nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận