Phóng to |
Ông Obama tố cáo Đảng Cộng hòa "tống tiền" - Ảnh: Reuters |
“Mỹ càng sớm giải quyết vấn đề này thì càng tốt cho nền kinh tế và các thị trường tài chính toàn cầu” - Reuters dẫn lời Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde tuyên bố. Bà cảnh báo Washington không nên để những tranh cãi nội bộ “khiến quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu bị ngưng trệ” bởi tăng trưởng toàn cầu vẫn đang yếu ớt.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cáo buộc Đảng Cộng hòa tội “tống tiền” khi đòi hoãn áp dụng luật bảo hiểm y tế để nâng mức trần nợ công của chính phủ. “Chưa bao giờ trong lịch sử Mỹ trần nợ công bị lợi dụng để tống tiền tổng thống và đảng cầm quyền - báo Washington Post dẫn lời ông Obama bức xúc - Tín dụng của nước Mỹ trở thành con tin để mặc cả, thương lượng. Đó là hành vi rất vô trách nhiệm”.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, nợ công nước này chạm trần 16.700 tỉ USD từ tháng 5. Nếu Quốc hội không nâng mức trần nợ công, Washington sẽ không thể tiếp tục vay nợ và các hoạt động của chính phủ sẽ bị đình trệ vào ngày 1-10. Đến ngày 15-10, Chính phủ Mỹ sẽ lâm vào cảnh vỡ nợ.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke cảnh báo nguy cơ chính phủ vỡ nợ sẽ “dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính”. Giới chuyên gia kinh tế cũng khẳng định nếu kịch bản này trở thành sự thật, các hãng tín dụng sẽ hạ tín nhiệm Mỹ, nền kinh tế Mỹ tổn thương nghiêm trọng và thị trường tài chính toàn cầu sẽ bị đảo lộn.
Tuy nhiên, mới đây Đảng Cộng hòa trình một dự luật nâng mức trần nợ công với yêu sách Washington phải hoãn thi hành luật bảo hiểm y tế “Obamacare”. Tháng tới, luật Obamacare sẽ tạo điều kiện cho người Mỹ không có bảo hiểm y tế được mua bảo hiểm ưu đãi. Năm 2011, các cuộc tranh cãi về trần nợ công đã khiến Mỹ lần đầu tiên bị Hãng Standard & Poor’s hạ bậc tín nhiệm từ “tiêu chuẩn vàng” AAA xuống còn AA+.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận