Vụ máy bay rơi, kéo theo việc Tổng thống Iran được xác nhận đã tử nạn, xảy ra trong bối cảnh Tehran đang có căng thẳng cao độ với Israel, cùng nhiều vấn đề khác trong nước.
Bất ổn trong và ngoài nước
Vào tháng 4, cả Iran và Israel đã có màn trả đũa trực tiếp qua lại, bắt nguồn từ cuộc tấn công được cho là của Israel vào tòa lãnh sự quán Iran tại Syria hồi đầu tháng này. Bên cạnh đó, các lực lượng được Iran "chống lưng" là Hamas và Hezbollah cũng sẵn sàng tấn công Israel.
Ngoài ra, tình hình trong nước của Iran cũng không mấy sáng sủa khi nước này đang phải đối mặt với bối cảnh kinh tế khó khăn cùng sự bất mãn lan rộng của công chúng.
Giám đốc phụ trách chương trình về Iran của Nhóm khủng hoảng quốc tế Ali Vaez nêu khả năng khi tổng thống Iran đột ngột qua đời, phó tổng thống thứ nhất sẽ tiếp quản và một cuộc bầu cử tổng thống mới phải được tổ chức trong vòng 50 ngày.
Theo Hiến pháp Iran, người tạm thay thế ông Raisi sẽ là Phó tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber, cựu sĩ quan Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC). Ông Mokhber cũng từng giữ vai trò giám sát tài sản của Iran.
Một Quốc hội mới theo đường lối cứng rắn của Iran chỉ mới được bầu vào ngày 1-3, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu cho một số cuộc bầu cử trong lần đó đã giảm xuống dưới 10%. Nhìn chung, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên toàn quốc chỉ đạt 41% - mức thấp kỷ lục.
Ông Vaez nhận định chính quyền Iran hiện nay không được trong nước ưa chuộng, đồng thời mô tả sự "rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa nhà nước và xã hội" tại Iran.
Về mặt kinh tế, tiền tệ của Iran đang lao dốc xuống mức thấp kỷ lục, cùng với đó là tình trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu.
Theo đó, nền kinh tế Iran vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn vì các lệnh trừng phạt từ Mỹ, thêm vào đó là khả năng quản lý yếu kém và nạn tham nhũng.
Đồng nội tệ của Iran đã mất giá kỷ lục vào cuối tháng 3. Lạm phát của nước này cũng ở mức cao khủng khiếp trong nhiều năm, thường được ghi nhận vượt quá 30%.
Áp lực từ chương trình hạt nhân
Bên cạnh đó, theo báo Guardian, bất kỳ tổng thống mới nào cũng sẽ phải đưa ra những quyết định lớn về chương trình hạt nhân của Iran.
Từ khi được bầu làm tổng thống vào năm 2021, ông Raisi là nhân vật theo đuổi đường lối cứng rắn, giám sát chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Iran trong khu vực, đẩy mạnh chương trình hạt nhân của Tehran, và đặt nước này vào tình thế có khả năng xảy ra chiến tranh với Israel.
Các cuộc tấn công qua lại vừa qua giữa Iran và Israel đã đưa Iran vào một điểm nóng mới, là khởi đầu cho một cuộc chiến tranh ngầm trong hàng thập kỷ qua giữa hai nước, làm dấy lên lo ngại một cuộc chiến khu vực có thể bùng nổ từ chiến sự tại Dải Gaza.
Ngày 9-5, cố vấn Kamal Kharrazi của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nói Iran sẽ xem xét chuyển đổi học thuyết sang răn đe hạt nhân nếu Israel tấn công những gì Tehran xem là các cơ sở hạt nhân dân sự.
Năm 2015, chính quyền của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đã đàm phán một thỏa thuận hạt nhân với Iran, nhưng tới năm 2018, tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này.
Tuy nhiên, vai trò chính xác của ông Raisi trong việc ra các quyết định quan trọng cho chiến lược hạt nhân của Iran vẫn là điều gây tranh cãi, khi chương trình này nằm dưới sự kiểm soát của IRGC.
Chương trình hạt nhân của Iran, cùng câu hỏi liệu Iran sẽ sản xuất vũ khí hạt nhân, hay chỉ tận dụng vị thế của mình như một cường quốc đạt ngưỡng có thể nhanh chóng chế tạo vũ khí loại này trong khu vực, đang là một trong những nhân tố tác động đáng kể lên các cuộc xung đột tại Trung Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận