19/07/2024 05:30 GMT+7

Tổng thống Biden trước sức ép 'chuyển giao ngọn đuốc'

Đảng Dân chủ đang gia tăng sức ép kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden rời khỏi cuộc tranh cử năm nay. Những nhân vật nổi bật nhất của đảng này cũng đã lên tiếng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân Jill Biden tại Washington - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân Jill Biden tại Washington - Ảnh: REUTERS

Hôm 17-7, dân biểu Adam Schiff trở thành đảng viên Dân chủ nổi bật nhất công khai bày tỏ mong muốn ông Biden rời khỏi đường đua vào Nhà Trắng.

Phong trào "chuyển giao ngọn đuốc"

"Dù rút khỏi chiến dịch tranh cử là lựa chọn của riêng Tổng thống Biden, tôi tin rằng đã đến lúc ông ấy nên chuyển giao ngọn đuốc. Qua việc làm này, ông ấy sẽ đảm bảo di sản lãnh đạo của mình khi cho phép chúng tôi đánh bại ông Donald Trump trong cuộc bầu cử sắp tới", ông Schiff nói.

Mọi thứ đang trở nên khá tệ với Tổng thống Biden từ sau cuộc tranh luận tổng thống thất bại trước ông Trump. Nhiều thành viên Đảng Dân chủ cho rằng vấn đề tuổi tác và sự minh mẫn sẽ khiến ông Biden khó nắm quyền thêm 4 năm nếu được bầu, và trước mắt cũng khó thắng ông Trump vào tháng 11 tới.

Trong thời gian qua, giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cũng thúc đẩy phong trào "chuyển giao ngọn đuốc" để kêu gọi ông Biden nhường lại vị trí ứng viên đề cử cho một chính trị gia khác của Đảng Dân chủ.

Có gần 20 thành viên Đảng Dân chủ ở Quốc hội mong muốn ông Biden bỏ cuộc, nhưng ông Schiff là trường hợp đặc biệt hơn. Đang tranh cử thượng viện ở California, ông Schiff vốn xuất phát từ "thành trì" của Đảng Dân chủ và có mối quan hệ gần gũi với cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Báo chí Mỹ đánh giá bà Pelosi, cùng các cựu tổng thống Barack Obama và Bill Clinton, là các chính trị gia lão làng hiếm hoi có tiếng nói đủ trọng lượng để tác động lên ông Biden. Hiện theo quy định, Đảng Dân chủ chỉ có thể thay ứng viên nếu ông Biden tự nguyện rút lui.

Bản thân Tổng thống Mỹ đã khẳng định không bỏ cuộc, nhưng tin xấu xuất hiện dồn dập. Các chính trị gia uy tín hoặc cấp cao nhất của Đảng Dân chủ như bà Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer, hay lãnh đạo thiểu số Dân chủ ở Hạ viện Hakeem Jeffries đều đã bày tỏ lo ngại về khả năng đắc cử của ông Biden.

ABC News thậm chí dẫn nguồn tin nói ông Schumer và ông Jeffries đã nói thẳng với ông Biden rằng vị tổng thống 81 tuổi nên rời đường đua. Trong khi đó, bà Pelosi chưa công khai nhưng được cho là đã thông báo với ông Biden tuần trước về mối lo ngại của bà và các thành viên Dân chủ khác đối với việc ông kiên quyết ở lại, đồng thời cảnh báo những lời kêu gọi ông rút lui sẽ tăng lên.

Ông Biden sẽ qua "ải" Ohio?

Tiểu bang Ohio trở thành điểm nóng cho tương lai chiến dịch tranh cử của ông Biden cũng như lột tả bức tranh không tươi sáng của Đảng Dân chủ những ngày này.

Theo tạp chí Vox, "cuộc chiến" về tương lai tranh cử của ông Biden bước sang giai đoạn mới, tập trung vào câu hỏi liệu Đảng Dân chủ có nên đẩy nhanh việc đề cử chính thức cho ông Biden tại một cuộc họp "điểm danh" trực tuyến sắp tới hay không. Nếu không, họ phải đợi tới tháng 8 để làm điều này trong đại hội toàn quốc (ngày 19 tới 22-8).

Luật bầu cử Ohio yêu cầu các đảng xác nhận ứng viên tổng thống 90 ngày trước thời điểm bầu cử tháng 11 tới. Nhưng hạn chót năm nay rơi vào ngày 7-8, tức sớm hơn nhiều so với ngày đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ. Vì vậy, ban đầu đảng này muốn họp "điểm danh" để đảm bảo ông Biden không bị loại khỏi thùng phiếu, thậm chí với lý do ngăn Đảng Cộng hòa khai thác để loại ông Biden.

Tuy nhiên, vì chính Ohio đã thay đổi hạn chót để hỗ trợ điều này, do đó yêu cầu đẩy cuộc họp "điểm danh" sớm hơn nữa bị nhận xét là hành động vô lý, chỉ nhằm giúp ông Biden "chắc suất". Bằng việc đẩy cuộc bỏ phiếu này lên sớm hơn mà không đưa ra cơ sở pháp lý rõ ràng, phe Dân chủ có nguy cơ gây thêm ngờ vực nơi cử tri, Vox nhận định.

Trong khi đó, nhà khoa học chính trị Daniel Schlozman (ĐH Johns Hopkins, Mỹ) nói: "Thật thiếu trung thực khi các lực lượng liên kết với ông Biden đưa ra những lập luận có vẻ liên quan tới luật Ohio, song thực tế mục đích của họ khá rõ là nhằm cho phép tổng thống được tái đề cử càng sớm càng tốt, càng ít kịch tính càng tốt".

Hôm 17-7, Thống đốc Minnesota Tim Walz, đồng chủ tịch ủy ban quy tắc bầu cử của Đảng Dân chủ, khẳng định sẽ không triển khai quy trình "điểm danh" gấp rút cho ông Biden. Như vậy, có khả năng vụ "điểm danh" ấy sẽ không diễn ra ngay tuần này, mà phải đợi sau ngày 1-8. Mặc dù được cho là không liên quan tới các động thái gây áp lực buộc ông Biden rút lui, tuyên bố của ông Walz lần này là tin không tốt cho Tổng thống Mỹ.

65%

Theo kết quả thăm dò mới nhất của AP-NORC, có tới 65% người theo Đảng Dân chủ trên toàn nước Mỹ cho rằng ông Biden nên rút lui, cho phép đảng này tìm ứng viên đề cử khác thay thế.

Ông Biden nói về điều kiện từ chức

Trả lời phỏng vấn trang tin BET.com mới đây, ông Biden khẳng định sẵn sàng thôi nhiệm trong nhiệm kỳ hai (nếu đắc cử), nếu các lý do sức khỏe buộc ông phải hành động, nhưng ông vẫn tin rằng khả năng này khó xảy ra. Chiến dịch của ông Biden thường xuyên khẳng định ông hoàn toàn khỏe mạnh, đủ sức gánh vác trọng trách. Tối 17-7, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Biden mắc COVID-19 nhưng chỉ có "triệu chứng nhẹ".

Lãnh đạo Thượng viện Mỹ kêu gọi ông Biden ngừng tranh cửLãnh đạo Thượng viện Mỹ kêu gọi ông Biden ngừng tranh cử

Lãnh đạo Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer, đã nói với ông Biden rằng sẽ tốt hơn cho đất nước và Đảng Dân chủ nếu tổng thống ngừng chiến dịch tranh cử.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên