16/08/2021 09:29 GMT+7

Tổng thống Afghanistan chạy ra nước ngoài

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Tình hình Afghanistan đã có bước ngoặt trong ngày 15-8 với việc Tổng thống Ashraf Ghani chạy ra nước ngoài khi Taliban siết vòng vây ở thủ đô Kabul, để lại cuộc chuyển giao quyền lực chưa rõ sẽ đi về đâu.

Tổng thống Afghanistan chạy ra nước ngoài - Ảnh 1.

Trực thăng quân sự bay phía trên Đại sứ quán Mỹ ở Kabul ngày 15-8 để di tản nhân viên - Ảnh: AFP

Chỉ trong vài tuần, lực lượng Taliban đã xóa sổ hàng rào phòng thủ mà Mỹ đã góp phần xây dựng trong 20 năm qua ở Afghanistan và bao vây thủ đô Kabul khi Mỹ và đồng minh gấp rút di tản công dân. Mọi việc diễn ra trong vòng vài tuần, thay vì vài tháng như dự tính của tình báo Mỹ.

Tiến vào Kabul

Với đà chiến thắng thần tốc vài ngày qua, Taliban dễ dàng bao vây và gây áp lực lên Kabul mà không tốn quá nhiều sức lực. Bao vây các cửa ngõ thành phố ngày 15-8, Taliban tuyên bố sẽ chờ chính quyền ông Ghani "chuyển giao quyền lực hòa bình" trong vài ngày tới. Nhưng chỉ vài giờ sau đó, các quan chức Afghanistan xác nhận tổng thống đã chạy trong khi lực lượng an ninh ở Kabul tan rã. 

"Cựu tổng thống Afghanistan đã rời đất nước, để lại người dân với tình cảnh này", ông Abdullah Abdullah, quan chức phụ trách tiến trình hòa bình Afghanistan, chia sẻ trên Facebook. Văn phòng của ông Ghani cho biết không thể tiết lộ hành động của ông vì lý do an ninh. Tuy nhiên, Reuters dẫn nguồn tin trong Bộ Nội vụ Afghanistan tiết lộ ông Ghani chạy sang Tajikistan.

Ngay lập tức, Taliban phát lệnh cho các tay súng tiến vào Kabul để gìn giữ "trật tự và luật pháp", vào thẳng dinh tổng thống. Hai thành viên cấp cao của Taliban cũng nói với Reuters rằng sẽ không có một chính phủ chuyển tiếp, thay vào đó lực lượng này sẽ chiếm trọn quyền lực. Trước đó, quyền Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Abdul Sattar Mirzakwal cam kết sẽ chuyển giao quyền lực trong hòa bình.

Vụ việc diễn ra chỉ vài giờ sau khi Taliban dễ dàng chiếm lấy thành phố Jalalabad ở miền đông, một trong những thành phố lớn cuối cùng bên cạnh Kabul do chính quyền Afghanistan kiểm soát, mà không vấp phải sự kháng cự nào. Việc kiểm soát Jalalabad đồng nghĩa với việc cắt đứt lối thoát về phía đông của Kabul, gần biên giới Pakistan.

Trước đó, lực lượng này cũng đã chiếm Mazar-i-Sharif ở miền bắc, nơi từng là pháo đài chống Taliban. Các quan chức Afghanistan thừa nhận Taliban đã nắm mọi cửa ngõ biên giới, khiến sân bay Kabul trở thành lối thoát duy nhất vào lúc này. Nói cách khác, Taliban đã siết chặt vòng vây thủ đô của Afghanistan, nơi hàng chục ngàn người Afghanistan đã đổ về những tuần qua để tránh bạo lực.

Trước khi Taliban "gõ cửa" Kabul, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14-8 cho biết sẽ triển khai thêm 5.000 binh lính, tăng thêm so với con số 3.000 được thông báo trước đó, đến Kabul để hỗ trợ việc di tản nhân viên ngoại giao, công dân Mỹ và người Afghanistan làm việc cho Mỹ.

Một lần nữa, ông Biden nhấn mạnh "dù sự hiện diện quân sự của Mỹ có kéo dài thêm một hay năm năm nữa cũng sẽ không tạo ra sự thay đổi nào nếu quân đội Afghanistan không thể hoặc không muốn giữ đất nước của mình". 

Theo Đài CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley sẽ có cuộc họp về vấn đề Afghanistan với Hạ viện Mỹ trong ngày 15-8 (giờ địa phương).

Trước khi tháo chạy, ông Ghani đã gấp rút cầu cứu đến các lãnh đạo trong nước và quốc tế, gồm Ngoại trưởng Mỹ, để giảm bạo lực khi mà Taliban muốn ông từ chức như điều kiện để đình chiến. "Đừng hoảng sợ! Kabul an toàn" - ông Matin Bek, cố vấn của ông Ghani, viết trên Twitter. Tuy nhiên, thực tế việc Taliban kiểm soát Jalalabad, Mazar-i-Sharif khiến chính quyền ông Ghani chỉ có hai lựa chọn: hoặc chuẩn bị cho một cuộc chiến đẫm máu để giữ thủ đô hoặc đầu hàng.

Tổng thống Afghanistan chạy ra nước ngoài - Ảnh 2.

Bước tiến của Taliban - Dữ liệu: Ngô Hạnh - Đồ họa: N.KH.

Ông Biden bị chỉ trích

"Tôi tin tưởng năng lực của quân đội Afghanistan, những người đã được đào tạo tốt, được trang bị và có năng lực chiến đấu" - Tổng thống Joe Biden phát biểu vào tháng 7-2021, trong bối cảnh Mỹ đã rót 89 tỉ USD để huấn luyện quân sự cho quân đội Afghanistan. Tuy nhiên, đến nay nhiều cố vấn của ông Biden thừa nhận họ bất ngờ trước tốc độ sụp đổ của Afghanistan, làm lộ ra những lỗ hổng do nạn tham nhũng trong quân đội.

Dù nhiều ý kiến cho rằng những bất ổn 50 năm qua mới chính là nguyên nhân đẩy Afghanistan đến với tình cảnh hiện tại, ông Biden vẫn đối mặt với nhiều chỉ trích khi rút quân quá gấp gáp khi chưa có một lộ trình hòa bình nào cụ thể.

"Nếu ai cũng biết chúng ta sẽ rút quân, tại sao chúng ta không lên kế hoạch trong 2 năm trước để thực hiện?" - ông Douglas E. Lute, cựu quan chức phụ trách chiến lược Afghanistan thời cựu tổng thống George W. Bush và Barack Obama, chất vấn.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham cũng chỉ trích vị tổng thống Dân chủ trên Twitter: "Nếu Tổng thống Biden không hối hận về quyết định rút quân, ông ấy đã tách rời khỏi thực tế về tình hình ở Afghanistan". Trong khi đó, lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell cho rằng Mỹ phải hỗ trợ Afghanistan.

Cuộc khủng hoảng ở Afghanistan có thể định hình di sản đối ngoại của ông Biden trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Biden đến nay vẫn kiên định với việc rút quân với lý do mà ông từng nói với các trợ lý rằng sự hiện diện của Mỹ chỉ khiến chính quyền Kabul tiếp tục dựa dẫm vào Washington.

Theo New York Times, đương kim tổng thống Mỹ từng giải thích với đội ngũ an ninh quốc gia, gồm ông Blinken và ông Jake Sullivan, rằng dù Mỹ có làm gì thì Afghanistan chắc chắn sẽ rơi vào một cuộc nội chiến - điều mà Mỹ sẽ không dính líu vào.

Các nước gấp rút di tản

Bộ Ngoại giao Đức ngày 15-8 thông báo sẽ đóng cửa đại sứ quán ở Kabul và yêu cầu toàn bộ công dân tại Afghanistan trở về nước. Quân đội Đức đưa máy bay vận tải A400M cùng 30 lính nhảy dù đến Kabul để di tản nhân viên ngoại giao. Cùng lúc, Thụy Điển cũng bắt đầu chiến dịch di tản ở Kabul. Các nước Anh, Mỹ, Canada cũng gấp rút đưa nhân viên ngoại giao về sân bay.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul của Afghanistan đã được di chuyển ra sân bay, cảnh báo nếu Taliban can thiệp vào việc di tản công dân Mỹ, "chúng tôi sẽ phản ứng nhanh chóng và quyết đoán".

"Đó là lý do vì sao chúng ta có các lực lượng để đảm bảo di tản một cách an toàn và trật tự" - Hãng tin AFP dẫn lời ông Blinken nói tối 15-8, giờ Việt Nam, trên đài ABC. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington sẽ không tìm cách duy trì hiện trạng ở Afghanistan.

Việt Nam sơ tán một công dân

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã triển khai công tác bảo hộ công dân ở Afghanistan, tìm hiểu về tình hình người Việt ở Afghanistan. Ngày 3-8, Đại sứ quán đã phối hợp đưa một công dân Việt Nam làm việc cho cơ quan của Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan về nước an toàn. Theo Đại sứ quán Việt Nam, cho đến thời điểm này chưa ghi nhận còn công dân Việt Nam tại Afghanistan.

Nhật Đăng

Liên Hiệp Quốc quan ngại về tương lai phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan Liên Hiệp Quốc quan ngại về tương lai phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan

TTO - Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi Taliban và các bên kiềm chế để bảo vệ sinh mạng người dân, đồng thời bày tỏ quan ngại về tương lai của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên