11/07/2022 15:51 GMT+7

Tổng lãnh sự Indonesia ở TP.HCM: 'Chúng tôi muốn thấy hòa bình ở Ukraine'

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM, ông Agustaviano Sofjan chia sẻ với Tuổi Trẻ suy nghĩ của mình về vai trò của các diễn đàn quốc tế trong kiến tạo niềm tin trong năm Indonesia làm chủ tịch luân phiên G20.

Tổng lãnh sự Indonesia ở TP.HCM: Chúng tôi muốn thấy hòa bình ở Ukraine - Ảnh 1.

Ông Agustaviano Sofjan - tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM - Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG

* Kết quả chuyến ngoại giao con thoi thăm Ukraine và Nga sau khi dự Hội nghị G7 ở Đức cuối tháng 6 vừa rồi của Tổng thống Joko Widodo có gì nổi bật, thưa ông?

- Tổng thống Indonesia Joko Widodo được mời dự hội nghị thượng đỉnh G7 với tư cách là chủ tịch của G20 và cũng là đối tác chiến lược của Đức (từ ngày 26 đến 28-6). Ông mang đến thông điệp rằng các nước cần tìm giải pháp hòa bình ở Ukraine và chiến sự ở Ukraine phải chấm dứt.

Dịch bệnh COVID-19 và căng thẳng chính trị toàn cầu hiện nay đã gây sự thụt lùi về kinh tế và sẽ làm tình hình thế giới xấu hơn. Chúng tôi muốn thấy hòa bình ở Ukraine và khủng hoảng lương thực, năng lượng toàn cầu phải được giải quyết ngay lập tức.

Có thể nhiều người chưa biết rằng Hiến pháp Indonesia ghi rõ Indonesia có nghĩa vụ đóng góp cho nền hòa bình thế giới. Do đó, tổng thống của chúng tôi đã đến Ukraine để tận mắt chứng kiến ​​những tác động tàn khốc đã xảy ra với Ukraine và đề nghị một số hỗ trợ nhân đạo.

Indonesia sẽ hỗ trợ tái thiết một bệnh viện bị tàn phá nặng nề ở Ukraine. Trong chuyến đi đến Nga, tổng thống của chúng tôi nhấn mạnh thế giới cần hòa bình và chiến tranh phải chấm dứt. Indonesia gửi đi thông điệp hòa bình và đối thoại, đã và đang cố gắng thúc đẩy đối thoại để tìm giải pháp.

Những bất ổn hiện nay cho thấy thế giới đang thiếu niềm tin.

Ông AGUSTAVIANO SOFIAN - tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM


Tổng lãnh sự Indonesia ở TP.HCM: Chúng tôi muốn thấy hòa bình ở Ukraine - Ảnh 3.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz chào mừng Tổng thống Indonesia Joko Widodo dự Hội nghị thượng đỉnh G7 - Ảnh: REUTERS

* Indonesia đã hối thúc các nước G7 đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt của họ không ảnh hưởng đến thực phẩm và phân bón để kiểm soát giá lương thực. Điều đã được thảo luận ở Hội nghị Ngoại trưởng G20 vừa qua (7 và 8-7) ra sao?

- Hội nghị Ngoại trưởng G20 là cơ hội cho các nền kinh tế thành viên và các khách mời thảo luận thẳng thắn và cởi mở.

Ưu tiên đầu tiên là về hợp tác đa phương vì đối thoại là cần thiết hơn bao giờ hết. Những bất ổn hiện nay cho thấy thế giới đang thiếu niềm tin. Cách duy nhất để giải quyết khủng hoảng niềm tin này là thông qua đối thoại thẳng thắn và cởi mở để tìm kiếm giải pháp.

Hội nghị Ngoại trưởng G20 vừa qua chắc chắn là cơ hội để tạo ra bầu không khí thuận lợi nhằm củng cố chủ nghĩa đa phương, xây dựng lòng tin. Chủ đề thứ hai là về lương thực và an ninh năng lượng. Khi giá lương thực, năng lượng và các hàng hóa khác tăng lên, điều quan trọng là đảm bảo khả năng tiếp cận và chi trả của người dân.

Tiếp tục các biện pháp trừng phạt không tạo ra môi trường thuận lợi mà chúng ta cần để làm việc cùng nhau nhằm tìm ra các giải pháp cho khu vực và toàn cầu.

Tổng lãnh sự Indonesia ở TP.HCM: Chúng tôi muốn thấy hòa bình ở Ukraine - Ảnh 4.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi (phải) đón tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến dự G20 - Ảnh: REUTERS

* Indonesia có sáng kiến hay kế hoạch nào để giúp khôi phục hòa bình ở Ukraine?

Không ai muốn có khủng hoảng nhưng nếu khủng hoảng đã xảy ra thì chúng ta cần tìm giải pháp. Chúng ta đang đối mặt với khủng hoảng không chỉ do đại dịch mà còn là căng thẳng địa chính trị.

Tất nhiên, G20 phải nhìn nhận điều này trong bối cảnh toàn cầu vì các giải pháp G20 mang lại không chỉ cho các thành viên mà cho toàn thế giới. Chắc chắn là diễn đàn này có khả năng đưa ra các giải pháp trong các vấn đề quan trọng chiến lược, các hành động chiến lược để cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn.

Đó là lý do tại sao Indonesia với tư cách là chủ tịch G20 kêu gọi cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn.

* Khối ASEAN và các nước trong khu vực ASEAN sẽ có lợi như thế nào từ các thảo luận ở G20, đặc biệt là khi Indonesia là chủ tịch luân phiên?

- G20 là diễn đàn quốc tế tập trung vào điều phối chính sách trong kinh tế và phát triển, đại diện cho sức mạnh kinh tế, chính trị của thế giới. Các thành viên đại diện cho hơn 80% GDP của thế giới, 75% thương mại quốc tế và hơn 60% dân số toàn cầu.

Các lĩnh vực ưu tiên của Indonesia là "tăng cường kiến ​​trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng". Indonesia mong muốn sẽ là chất xúc tác cho sự phục hồi toàn cầu mạnh mẽ và bao trùm.

Thế giới hiện nay, trong đó có ASEAN, đang chịu nhiều áp lực do đại dịch COVID-19 và chiến sự Nga - Ukraine, đòi hỏi những nỗ lực chung và toàn diện để tìm ra giải pháp phục hồi. Trong nhiệm kỳ chủ tịch G20, Indonesia đã nêu mối quan tâm của mình, cũng là của các nước thành viên ASEAN với G20 về những vấn đề cần giải quyết và hành động nhanh như khủng hoảng lương thực và năng lượng.

Các cuộc họp của G20 có mời đại diện khu vực, trong đó có chủ tịch khối ASEAN - năm nay là Campuchia tham dự. Indonesia đại diện cho tiếng nói của các nước đang phát triển kêu gọi khủng hoảng do đại dịch và căng thẳng địa chính trị không được gây trở ngại cho việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.

ASEAN cũng có thể tận dụng cơ hội này để nêu lên về các vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến các nước ASEAN và tìm ra giải pháp thông qua đối thoại.

Năm Chủ tịch G20 của Indonesia

Từ ngày 1-12-2021, Chính phủ Indonesia chính thức bắt đầu các hoạt động của Năm Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Với chủ đề "Phục hồi cùng nhau, phục hồi mạnh mẽ hơn", sự kiện G20 - 2022 kéo dài từ ngày 1-12-2021 đến ngày 30-11-2022 với hơn 150 cuộc họp các cấp.

Hội nghị đầu tiên được Indonesia tổ chức và chủ trì trên cương vị Chủ tịch G20 là Hội nghị Quan chức cấp cao G20 (còn gọi là Hội nghị Sherpa).

Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh lần thứ 17 của G20 sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 16-11-2022 ở Bali.

Gần một tháng qua, Indonesia có nhiều hoạt động ngoại giao đáng chú ý. Tổng thống Indonesia Joko Widodo dự Hội nghị thượng đỉnh G7 (Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới) và thăm hai nước Ukraine, Nga vào cuối tháng 6-2022.

Trong vai trò là chủ tịch nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), Indonesia tổ chức nhiều hội nghị cấp bộ trưởng, gần đây nhất là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao tại Bali, Indonesia ngày 7 và 8-7.

Khai mạc G20, Indonesia kêu gọi đàm phán để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine Khai mạc G20, Indonesia kêu gọi đàm phán để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine

TTO - Ngày 8-7, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi kêu gọi chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine và nói rằng những khác biệt phải được giải quyết thông qua đàm phán.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên