Đây là sự kiện lớn bàn về vai trò lãnh đạo của phụ nữ và cách thức hỗ trợ phụ nữ phát triển tại Việt Nam. Forbes Việt Nam vinh danh một người phụ nữ Việt Nam nổi bật có những thành tích và đóng góp đã được chứng minh và ảnh hưởng lớn tới một lĩnh vực, xã hội hay quốc gia.
Để chọn ra ứng viên cho giải thưởng này, đội ngũ của Forbes Việt Nam đã tham vấn một ban cố vấn gồm những gương mặt uy tín trong xã hội, bao gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các trí thức…
Nữ doanh nhân hàng đầu Việt Nam
Bà Mai Kiều Liên đã lãnh đạo Vinamilk trong hơn 40 năm qua, đưa công ty trở thành một trường hợp thành công điển hình nhất của khối doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ đổi mới.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng - chủ tịch Công ty Truyền thông Tương tác, Forbes Việt Nam và bà Chu Thị Thu Hằng, tổng biên tập báo Văn Hóa, trao giải thưởng "Thành tựu trọn đời" cho bà Mai Kiều Liên - tổng giám đốc Vinamilk - Ảnh: Forbes Việt Nam
Vinamilk - công ty sữa số một của Việt Nam xét theo doanh thu và lợi nhuận, được niêm yết vào năm 2006, cổ phiếu luôn nằm trong nhóm cổ phiếu "ngôi sao" của sàn chứng khoán với giá trị vốn hóa hiện ở mức hơn 10 tỉ đôla Mỹ. 2018 là năm thứ ba liên tiếp Vinamilk giữ ngôi vị quán quân thị trường chứng khoán về lợi nhuận.
Liên tiếp giữ các vị trí then chốt trong công ty, đặc biệt hai chức vụ quan trọng nhất là chủ tịch và tổng giám đốc Vinamilk, bà Mai Kiều Liên là nữ doanh nhân hàng đầu Việt Nam có mặt liên tiếp từ năm 2012-2015 trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn và được trao tặng giải thưởng Nikkei Asia Prize của Nikkei Inc.
Bên cạnh đó, bà Mai Kiều Liên cũng là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn vào năm 2017.
Vào năm 2015, bà rời cương vị chủ tịch hội đồng quản trị, tập trung cho công tác điều hành với vai trò tổng giám đốc.
Sinh năm 1953 tại Pháp, bà Mai Kiều Liên tốt nghiệp đại học tại Matxcơva chuyên ngành chế biến sữa và thịt và có chứng chỉ quản lý kinh tế - Đại học Kỹ sư kinh tế Leningrad. Được bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc Vinamilk vào năm 1992, bà quyết tâm cổ phần hóa doanh nghiệp sữa này nhằm tạo ra động lực làm việc mới, khuyến khích cán bộ công nhân viên sáng tạo, đổi mới.
Bà Mai Kiều Liên trò chuyện cùng ông Dominic Scriven, chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital, trên sân khấu Women Summit 2018 do Forbes Việt Nam tổ chức - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Trong cuộc phỏng vấn trên sân khấu của Hội nghị Women Summit 2018 với ông Dominic Scriven - chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital, bà Liên chia sẻ: "Tập thể Vinamilk tự hào có ngành công nghiệp sữa Việt Nam không thua kém gì với khu vực. Chúng ta có hệ thống chăn nuôi bò sữa, đó là quan trọng nhất. Khi tự chủ nguyên liệu thì tự chủ mọi thứ. Sản phẩm sữa của Vinamilk hiện đã có mặt trên 40 nước trên thế giới. Đó là điều ước mơ rất lâu chúng ta mới làm được".
Sản phẩm Vinamilk có mặt tại 43 nước trên thế giới
Năm 2017, Vinamilk đã đạt được những con số đáng ghi nhận như doanh thu 51.041 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 4.200 tỉ đồng và giá trị thương hiệu đạt 2,2 tỉ đôla Mỹ.
Vốn hóa của Vinamilk hiện đạt hơn 10 tỉ đôla Mỹ, tăng gấp 100 lần so với thời điểm niêm yết năm 2006. Các sản phẩm của Vinamilk có mặt tại 43 nước trên thế giới.
Từ năm 1997 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk đã đạt khoảng 2 tỉ USD (tương đương khoảng 45.520 tỉ đồng).
Hiện công ty sữa lớn nhất Việt Nam này đang nắm giữ 50% thị trường sữa nội địa với khoảng 15 tỉ sản phẩm được đưa ra thị trường mỗi năm.
Vinamilk hiện có hệ thống 10 trang trại trải dài khắp Việt Nam đạt tiêu chuẩn Global GAP với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, Mỹ và New Zealand.
Tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty (bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết) lên tới hơn 120.000 con, với sản lượng khoảng 800 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày.
Dự kiến tổng đàn bò sẽ được nâng lên khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận