
Ông Dương Quang Trung là Anh hùng Lao động, thầy thuốc nhân dân, viện sĩ, tiến sĩ, bác sĩ, mất năm 2013 - Ảnh: Tư liệu
Dương Quang Trung - người bác sĩ, viện sĩ, thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động - chính là người đã góp công đầu để thành lập Viện Tim, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng như xây dựng Bệnh viện Nhân dân 115 từ một viện quân y.
Vị bác sĩ yêu nước
Bao nhiêu năm ông đã lui tới trên con đường này với cương vị giám đốc Sở Y tế thành phố, hiệu trưởng trung tâm đào tạo, rồi một bác sĩ, một người thầy.
Nay - với con đường mang tên Dương Quang Trung - ông vẫn như còn gắn bó với bệnh nhân, với các bác sĩ, sinh viên y khoa, với sự nghiệp phát triển y học và chăm sóc sức khỏe người dân, như ông đã sống một đời.
Bên trong Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch treo tấm chân dung ông với lời tâm sự để lại lẽ sống cho đời sau: “Có nhiều người làm được biết bao nhiêu chuyện, tôi chỉ là một viên gạch nhỏ ở đời thì sá chi chút sức của mình. Một viên gạch chả làm nên gì, cần có rất, rất nhiều viên gạch khác mà chất kết dính là tình yêu Tổ quốc. Thôi thì còn chút sức nào, tôi vẫn xin dâng cho đời”.
Viên gạch của ông đã tìm thấy chất kết dính là tình yêu Tổ quốc từ rất sớm để xây nên những bức tường.
Đó là khi cậu bé Dương Quang Trung sinh ra và lớn lên tận miệt An Xuyên, Cà Mau day dứt khi chứng kiến những người nông dân quê mình nhọc nhằn gan góc mở đất khai rừng rồi có lúc lại gục ngã vì thiếu một viên ký ninh trong cơn sốt rét giữa U Minh.
Cách mạng mùa thu 1945, Dương Quang Trung vừa 17 tuổi, cậu tham gia vào lực lượng thanh niên giải phóng quân Giá Rai, vào đội cứu thương Khu 9. Khi trở lại trường học, Dương Quang Trung vẫn tiếp tục sinh hoạt trong Hội Học sinh Sài Gòn - Gia Định.
22 tuổi, Dương Quang Trung được nhận vào Trường y khoa Bordeaux - Pháp. Hơn một thập niên nữa qua đi, ông trở thành bác sĩ, làm việc ở phòng mạch tư tại Paris, học thêm chuyên khoa phẫu thuật phổi. Trong lúc ấy, cuộc chiến tại Việt Nam mỗi lúc mỗi leo thang với sự dấn sâu của đế quốc Mỹ.
Tình yêu Tổ quốc hẳn đã dâng tràn lên trong ông lúc ấy, dứt ông ra khỏi cuộc sống trọng vọng ở kinh thành hoa lệ, “kết dính” ông trở về với những bi kịch của quê hương. Từ Paris, với cả gia đình năm người, ông đáp máy bay về Việt Nam, không chọn Sài Gòn mà chọn đường vòng về Hà Nội, sẵn sàng tham gia vào cuộc kháng chiến thống nhất đất nước.
Năm 1965, khi cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt nhất với sự tham gia trực tiếp của quân lực Mỹ, bác sĩ Dương Quang Trung khoác ba lô cùng đội phẫu thuật tiền phương vào chiến trường.
10 năm ông lăn lộn với những trạm quân y dưới tán cây, trong hầm đất, núi đá, giữa mưa bom bão đạn để cứu chữa thương binh. 30-4-1975, ông đã cùng các đồng đội của mình trở lại Sài Gòn, bắt tay vào một “cuộc chiến” mới.

Bác sĩ Dương Quang Trung đang trực tiếp theo dõi một ca mổ nội soi - Ảnh tư liệu
“Tôi là viên gạch nhỏ”
Sau niềm vui hòa bình, thống nhất, thành phố bước vào những năm tháng khó khăn nhất, không loại trừ ngành y.
Bệnh nhân từ các nơi đổ về tràn ngập bệnh viện, y bác sĩ ly tán, thuốc men, dụng cụ y tế cạn kiệt. Ở thành phố mà bác sĩ đành bất lực kê đơn với xuyên tâm liên, ký ninh trị bá bệnh như vẫn còn chiến tranh, như còn trong rừng, kim tiêm, dây dịch truyền luộc đi dùng lại…
Trên cương vị lãnh đạo Sở Y tế thành phố, “con bệnh” cần cấp cứu trước mắt bác sĩ Dương Quang Trung bấy giờ là chính ngành y và các đồng nghiệp của mình.
Ông lên gặp Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt để “hội chẩn” tìm phương thuốc và kê toa: các bác sĩ được phép mở phòng mạch tư nhân khám bệnh, giảm tải bệnh viện và cải thiện đời sống; hàng loạt bác sĩ giỏi của chế độ cũ được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo các bệnh viện: bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, bác sĩ Trần Đông A, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, bác sĩ Phan Thanh Hải, dược sĩ Tô Thị Bửu Châu…
Rất nhiều dấu hỏi và những vấn đề nhạy cảm chính trị đã được các cơ quan quản lý đặt ra, bác sĩ Dương Quang Trung điềm tĩnh: “Tôi trâu già đâu nệ dao phay. Có thương tổn gì với tôi cũng được, miễn sao xây dựng được lực lượng thầy thuốc giỏi và tốt chăm sóc sức khỏe tốt cho người dân là mãn nguyện rồi”.
Hòa hợp giữa những người trí thức giữa hai miền cũng là một thách thức lớn, và bác sĩ Dương Quang Trung đã nỗ lực hết sức để lấy chính mình ra làm gạch nối với “chất kết dính” là tình yêu Tổ quốc, là “y đạo - y đức - y thuật - y nghiệp” mà ông luôn nhắc nhở bằng lời nói, minh chứng bằng việc làm.
Ca mổ tách thành công cặp song sinh Việt - Đức năm 1988 do ông tổ chức điều hành không chỉ chấn động thế giới về y thuật của bác sĩ Việt Nam trong điều kiện thiếu thốn, cấm vận mà còn là dấu ấn xóa bỏ những hàng rào tâm lý đè nặng trên đôi mắt, bàn tay các bác sĩ khi trong ê kíp có tới 60 người đã thành nghề thành danh trong chế độ Sài Gòn. Họ đã biết rằng mình được tin tưởng, được giao trọng trách.

Bạn bè và cộng sự tặng hoa, chúc mừng bác sĩ Dương Quang Trung (bìa trái) được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (ảnh chụp sáng 27-6-2003) - Ảnh: Nguyễn Công Thành
Thành phố ngày càng phát triển, dân số tăng gấp rưỡi, gấp đôi, gấp ba, dân nhập cư, vãng lai từ các tỉnh đổ về, nhu cầu y tế tại chỗ ngày càng cao, nhu cầu khám chữa bệnh chuyên sâu tăng vọt. Bác sĩ Dương Quang Trung ngược xuôi lo tổ chức, lo đào tạo, lo xây dựng, lo kinh phí…
Từ đó mà hệ thống y tế phổ cập hình thành từ cấp cơ sở phường/xã tới quận/huyện, các bệnh viện chuyên khoa sâu cũng lần lượt thành lập: tim, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, chấn thương chỉnh hình, ung bướu, chẩn đoán y khoa…
Viện Tim TP.HCM là bệnh viện chuyên sâu đầu tiên ra đời theo hình thức xã hội hóa - hợp tác quốc tế, hoạt động theo cơ chế tự quản - tự thu chi.
Mô hình mới bị nhiều người đặt dấu hỏi e ngại nhưng đã thành công rực rỡ, cứu sống hàng vạn người, hỗ trợ hàng ngàn bệnh nhân nghèo, chuyển giao công nghệ phẫu thuật cho hàng chục bệnh viện lớn.
Mô hình Trường - Viện - Cộng đồng cũng được bác sĩ Dương Quang Trung tâm huyết xây dựng và áp dụng tại ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đã thành công, đã được các thế hệ thầy - trò của trường gìn giữ và nhân rộng ra các nơi khác.
Bác sĩ Dương Quang Trung từ giã cuộc đời năm 2013, nhưng những “viên gạch với chất kết dính là tình yêu Tổ quốc” của ông vẫn còn đây, đã thành những bức tường, thành quách để bảo vệ sức khỏe con người.
Các cơ sở y tế, bệnh viện, trường đại học y khoa ở TP.HCM in đậm dấu ấn của ông, các bác sĩ khắc ghi lời dạy “y đạo - y đức - y thuật - y nghiệp” của ông, ngành y Việt Nam ngày một được đánh giá cao hơn có công sức của ông, những người đang sống hôm nay tri ơn ông khi đi trên con đường mang tên Dương Quang Trung.
Anh hùng Lao động, thầy thuốc nhân dân, viện sĩ, tiến sĩ Dương Quang Trung (1928 - 2013) tốt nghiệp tiến sĩ y khoa năm 1958 tại Đại học Y khoa Bordeaux, Pháp.
Sau ngày miền Nam giải phóng, ông làm giám đốc Sở Y tế TP.HCM từ năm 1981 - 1997.
Năm 1991, ông được Viện hàn lâm quốc gia Phẫu thuật Pháp bầu làm viện sĩ. Năm 1998, Đại học Henri Poincaré (Nancy, Pháp) tặng ông bằng tiến sĩ danh dự.
Trước khi mất, bác sĩ Dương Quang Trung là chủ tịch Hội Y học TP.HCM, viện trưởng Viện Chăm sóc sức khỏe cộng đồng TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận