24/06/2013 09:54 GMT+7

Dương Quang Trung - một đời dấn thân

TRẦM HƯƠNG
TRẦM HƯƠNG

TT - Bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh - nguyên giám đốc Bệnh viện 115 - báo tin cho tôi về sự ra đi của viện sĩ, tiến sĩ Dương Quang Trung đã ngậm ngùi nói: “Anh Tư là người có công lớn với ngành y tế thành phố vì đã tập hợp, kết nối, tin tưởng giao việc cho người kế tục. Không có niềm tin ấy, chúng tôi rất khó thực hiện những đột phá trong khám và chữa bệnh”.

Vĩnh biệt thầy thuốc nhân dân Dương Quang Trung

kMEBFmfI.jpgPhóng to
Bạn bè và cộng sự tặng hoa, chúc mừng bác sĩ Dương Quang Trung (bìa trái) vừa được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới (ảnh chụp sáng 27-6-2003) - Ảnh: Nguyễn Công Thành

Cơ duyên tôi được biết anh hùng, VS.TS Dương Quang Trung từ những công trình biên soạn sách về những nhân sĩ trí thức ngành y như Bác sĩ - anh hùng Phạm Ngọc Thạch và sự tiếp nối, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - thầy thuốc nhân dân, nhà văn, nhà báo. Và mới đây, quyển sách Nhà giáo nhân dân - GS.BS Võ Thế Quang, nhân cách một con người ra mắt ngày 14-6-2013. Hôm ấy, ông với vai trò chủ biên nồng nhiệt, sôi nổi phát biểu về niềm vui mừng khi đã góp phần biên soạn quyển sách về một người bạn học mà ông quý trọng về nhân cách, tài năng và nhiệt huyết.

Hiến cả cuộc đời cho y học

Là người cùng thời và đi sau vài bước của những tên tuổi lớn ngành y, ông mặc nhiên nhận lấy trách nhiệm lưu giữ và làm tỏa sáng những tấm gương của các nhân sĩ trí thức vào thế hệ hôm nay và mai sau. Ông luôn nặng lòng. Và ông đã hành động, rất quyết liệt trong việc vận động kinh phí, tham gia nội dung để tổ chức biên soạn, in ấn những quyển sách về thế hệ đã dấn thân, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp y khoa.

"Với độ chín chắn, từng trải của người trí thức từng đi qua kinh thành ánh sáng, đi qua những khoảnh khắc chết sống trong gang tấc của chiến trường, ông trở nên trầm tĩnh, bao dung, là nhân tố kết nối được nhiều tính cách của tầng lớp y bác sĩ TP.HCM"

Qua “đôi điều tâm sự” của ông trong cuốn sách, chúng ta hiểu được phần nào tâm thế của người trí thức đỗ tiến sĩ y khoa năm 1958 tại Đại học Y khoa Bordeaux, tự nguyện đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Pháp từ năm 1952, tham gia các hoạt động ủng hộ kháng chiến, chống chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Và sau gần 13 năm sống ở Pháp, ông quyết định đưa gia đình về Hà Nội để được đồng cam cộng khổ với các đồng nghiệp phục vụ Chính phủ Bác Hồ.

Ông viết: “Khi tôi về đến Hà Nội, người đầu tiên tôi gặp là anh Bảy Thủ, tức bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, mà sau này trong thời kỳ chống Mỹ, anh lấy bí danh là Bảy Chi. Người thứ hai tôi gặp là bác sĩ Nguyễn Văn Tín, lúc đó là vụ trưởng Vụ Điều trị, sau này là thứ trưởng Bộ Y tế. Anh nói: bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bộ trưởng, có nhờ anh đến gặp tôi và mời tôi ăn cơm để bàn công việc. Nơi hẹn là nhà ăn tập thể Viện Chống lao trung ương, một dãy nhà tường vôi, nóc lá. Và người tôi gặp là một người chắc nịch, mặc áo blouse ngắn tay, không có vẻ gì là bộ trưởng, theo đầu óc tôi suy nghĩ lúc bấy giờ. Anh toát lên một niềm tự tin, rắn rỏi, nhưng rất bình dị và cởi mở. Anh đề nghị tôi tham gia xây dựng ngành phẫu thuật phổi ở Viện Chống lao trung ương, chủ yếu là để điều trị các thể lao nặng. Gần anh chỉ một thời gian ngắn nhưng đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc. Anh tạo cho tôi một niềm tin mãnh liệt vào tương lai đất nước, mặc dù trước mắt còn bao nhiêu khó khăn, ác liệt. Tôi sống gần anh vỏn vẹn bốn năm, nhưng tôi thật sự học ở anh những bài học mang dấu ấn suốt cả cuộc đời!”.

Với nhà giáo nhân dân - GS.BS Võ Thế Quang, ông viết những dòng chân thành. Qua đó, lớp người sau hiểu thêm ông từng có một thời tuổi trẻ hào hùng, sôi nổi: “Chúng tôi là những người bạn thâm niên, ngay từ khi còn ở Sài Gòn, đến Paris, chúng tôi gặp nhau, trước khi Quang cùng anh em đang chuẩn bị tham gia Festival thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 3 ở Berlin. Tôi đưa đoàn từ Bordeaux sang tham dự. Sau này từ miền Bắc đến chiến khu R, chúng tôi cùng làm việc với nhau nhiều lần. Không lần nào chúng tôi không có đề tài để bàn luận. Tôi biết anh xuất thân từ gia đình khá giả, lại được cha mẹ cưng chiều từ nhỏ, vậy mà trải qua bao gian khổ, vất vả, hiểm nguy nhưng chưa bao giờ thấy anh nản lòng, mệt mỏi. Chính sự dấn thân này của anh làm tôi khâm phục!”.

Nhận lại tình yêu thương

Có được người thủ trưởng như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người đồng hương xứng đáng như bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, người anh với tầm vóc “kẻ sĩ Gia Định” như bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, người bạn học đáng khâm phục như GS.BS Võ Thế Quang, với ông là niềm vinh dự to lớn. Ông đã soi mình vào những con người tuyệt vời ấy, đã chọn cho mình một cách sống xứng đáng, dám từ bỏ kinh đô ánh sáng nước Pháp về với “dãy nhà tường vôi, nóc lá” ở Hà Nội, đã để lại Hà Nội người vợ xinh đẹp cùng ba đứa con thơ vượt Trường Sơn vào Nam, có mặt trong một bệnh viện dưới cánh rừng miền Đông đầy bom pháo, chất độc hóa học. Đó là cách ông góp công sức cùng đồng bào miền Nam trong chiến tranh. Ông có một thời tuổi trẻ thật sôi nổi, tự hào, bởi trên những cung đường ác liệt ông cảm nhận một cách sâu sắc, chân thành: Đời đẹp nhất là đời đi chiến đấu.

Sau ngày hòa bình ông không còn trẻ nữa. Nhưng với độ chín chắn, từng trải của người trí thức từng đi qua kinh thành ánh sáng, đi qua những khoảnh khắc chết sống trong gang tấc của chiến trường, ông trở nên trầm tĩnh, bao dung, là nhân tố kết nối được nhiều tính cách của tầng lớp y bác sĩ TP.HCM, đến từ nhiều nguồn, nhiều tinh hoa nhưng không ít những cá tính khó dung hòa. Với vai trò giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông đã tổ chức và chỉ huy ca mổ lịch sử, quy tụ gần 70 chuyên gia tên tuổi đầu ngành, thực hiện ca mổ tách đôi cặp song sinh Việt - Đức. Ông rất mềm dẻo nhưng cũng dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá. Từ năm 1975-1988, nhờ ca mổ Việt - Đức, đường bay Tokyo - TP.HCM mới được kết nối. Ca mổ thành công, được đưa vào sách kỷ lục Guinness, đánh dấu sự hợp đồng tác nghiệp có hiệu quả và sự trưởng thành của ngành y tế TP.HCM, mà ông là “nhạc trưởng” của các mối quan hệ, liên kết những tinh hoa thành sức mạnh.

Riêng tôi, khi được làm việc với ông, tôi học được sự mềm dẻo thuyết phục, thấu tình đạt lý, cách lắng nghe, dung hòa những ý tưởng. Ông biết tôn trọng giá trị bóng mát cây đa nhưng cũng biết cúi xuống nâng niu ngọn cỏ. Được làm việc với ông, dù không nhiều nhưng với tôi là niềm hạnh phúc to lớn. Mới đây thôi, khi cùng ông thực hiện quyển sách Nhà giáo nhân dân - GS.BS Võ Thế Quang, nhân cách một con người, với sự thấu hiểu ông đã động viên, gỡ rối những vướng mắc, để có được buổi ra mắt sách hoành tráng, cảm động. Và rồi, ông ra đi, khi những dòng phác thảo đề cương quyển sách về cuộc đời ông còn dang dở trên máy tính của tôi. Bài viết kỷ niệm 25 năm ca mổ Việt - Đức cũng còn nằm trong chương trình làm việc của ông, với niềm vui khi Đức có con, ca mổ đã mỹ mãn.

Trong ngành y lẫn cuộc đời, ông nhận được nhiều lời ca tụng. Song với tất cả cuộc đời to lớn, tận hiến, tận lực, ông cũng chỉ mong nhận lại những gì giản dị nhất: tình yêu thương!

TRẦM HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên