25/07/2024 09:42 GMT+7

Tôm Việt Nam gặp khó ở Mỹ, doanh nghiệp xuất khẩu 'quay xe' ra sao?

Giảm tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ, tập trung vào thị trường gần, chế biến sâu, tính lại giải pháp nuôi tôm để bán giá tốt… là cách mà các doanh nghiệp 'né' những bất lợi khi tôm Việt đang ở 'sân đấu' lớn.

Gặp bất lợi ở thị trường Mỹ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam chuyển hướng sang các thị trường gần như Nhật, Hàn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Gặp bất lợi ở thị trường Mỹ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam chuyển hướng sang các thị trường gần như Nhật, Hàn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trước những khó khăn mà ngành tôm đang đối mặt, ngày 25-7, Tuổi Trẻ Online có trao đổi với một doanh nghiệp xuất khẩu tôm (ở thành phố Cần Thơ) đang bán tôm qua hơn chục thị trường, để thấy hướng đi mới trong việc giữ thị phần của tôm Việt.

Doanh nghiệp này cho rằng trong nhiều khó khăn thì ngành tôm đang đối mặt với hai vấn đề lớn.

Thứ nhất là giá tôm xuất khẩu sang các thị trường thấp do phải cạnh tranh với tôm Ecuador, Ấn Độ.

Thứ hai, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn chưa được khắc phục, dẫn đến có thể thiếu nguyên liệu tôm trong nửa cuối năm 2024.

Còn với tôm xuất khẩu sang thị trường lớn, như thị trường Mỹ, doanh nghiệp này nói: "Nghịch lý ở chỗ, tại nơi có sức tiêu thụ lớn, tôm Việt gặp bất lợi.

Vì không những "so kè" lại giá rẻ của tôm Ecuador, Ấn Độ mà còn đối mặt giá cước vận tải tăng 40% vì Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới.

Khi gặp khó, mình tính phương án đẩy thế mạnh tôm Việt lên trong khi "đối thủ" không làm được.

Các tháng đầu năm, có doanh nghiệp giao những lô hàng ký trước đã bị lỗ vì cước tàu đột ngột, rồi giá bán không thể nào qua được tôm giá rẻ.

Bây giờ, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang chế biến sâu hàng giá trị giá tăng để giữ thị trường có sức tiêu thụ lớn", doanh nghiệp này thông tin.

Tương tự, ông Nguyễn Quanh Anh - doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở TP Nha Trang - cho rằng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã chủ động có chiến lược riêng.

Song với xuất khẩu, một số doanh nghiệp liên kết với nông dân đã chọn lại mô hình, mật độ nuôi phù hợp để vừa đảm bảo tỉ lệ nuôi thành công cao, vừa thu hoạch được tôm cỡ lớn có giá ổn định.

"Hiện các doanh nghiệp đã giảm tỉ trọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tăng cường xuất khẩu cho thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc…

Có nơi liên kết với các hộ nuôi thì chủ động về hoạt động nuôi, giải pháp nuôi và thu hoạch, để đúng "điểm rơi" mà bán được giá tốt hơn".

Bên cạnh đó, có doanh nghiệp vẫn lo lắng Mỹ là thị trường khó tính nên khi tôm giá rẻ từ Ecuador nếu không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ chuyển hướng "tấn công" thị trường châu Âu, Nhật Bản làm ảnh hưởng đến thị phần của Việt Nam, nên nhiều doanh nghiệp tôm Việt có nhiều phương án khác cho từng thị trường.

Nhu cầu lễ hội cuối năm, Mỹ sẽ tăng nhập khẩu tôm Việt

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2024, chiếm khoảng 40 - 45% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 303 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi giảm trong tháng 5, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng trở lại trong tháng 6.

VASEP dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam từ Mỹ có thể tăng nhẹ vào quý 3-2024, khi các nhà nhập khẩu tăng mua phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm.

Khốn đốn vì "cò" nợ tiền mua tômKhốn đốn vì 'cò' nợ tiền mua tôm

Sau hai năm bán tôm cho thương lái thông qua "cò" tại địa phương, hàng trăm hộ nuôi tôm hùm ở TP Cam Ranh (Khánh Hòa) vẫn chưa đòi được số tiền hơn 43 tỉ đồng. Nhiều người lỡ gom tôm để bán cho "cò" phải cầm cố nhà cửa để trả nợ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên