Ngày 10-7, tại kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên giữa năm 2024, đại biểu Đặng Thị Hồng Nga cho rằng có nhiều bất cập trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản khiến gần đây tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Bà Nga hỏi ông Nguyễn Trọng Tùng - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên - trách nhiệm để xảy ra việc này thuộc về ai và giải pháp sắp tới thế nào.
Tôm hùm, cá nuôi chết gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng
Trả lời, ông Tùng cho hay trong tháng 5 và tháng 6-2024, tại vùng nuôi thủy sản thị xã Sông Cầu xảy ra 2 vụ tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt, tổng thiệt hại khoảng 45,3 tỉ đồng.
Ông nói nguyên nhân là do mật độ lồng nuôi quá dày; có nhiều bè nuôi nhuyễn thể để làm thức ăn cho tôm hùm gây cản trở nước lưu thông và tiêu thụ nhiều oxy vào ban đêm dẫn đến hiện tượng thiếu oxy cục bộ.
Bên cạnh đó, trong khoảng 2 - 3 ngày trước khi xảy ra hiện tượng tôm, cá chết, thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với mưa dông vào chiều tối gây hiện tượng phân tầng nhiệt (trên mặt mát, dưới đáy nóng) thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tầng đáy, tiêu hao hàm lượng oxy hòa tan, phát sinh khí độc...
Phát biểu vào chiều 10-7, ông Tạ Anh Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - nói thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết vấn đề quy hoạch nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên theo ông, đây là một tồn tại kéo dài nhiều năm, liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống sinh kế của hơn 16.000 lao động sống ven các đầm, vịnh khu vực ven biển của tỉnh nên cần phải có thời gian, lộ trình, giải pháp cụ thể để giải quyết.
Số lượng lồng bè tăng vọt là nguy cơ
Ông Tuấn thông tin tháng 3-2024, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá tình hình quản lý, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Tuy An và hai thị xã Sông Cầu, Đông Hòa khẩn trương rà soát, kiểm đếm số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản thực tế trên địa bàn.
Kết quả tính đến hết tháng 6-2024, tổng số lồng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Phú Yên là 186.036 lồng, gấp 3,8 lần so với quy hoạch.
Chính điều này đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh dẫn đến tôm cá chết, gây thiệt hại về kinh tế cho dân thời gian gần đây.
"Nếu tiếp tục duy trì số lượng lồng bè như hiện nay sẽ có nguy cơ rất lớn tiếp tục xảy ra tình trạng tôm cá chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, khó có khả năng phục hồi, ảnh hưởng đến phát triển du lịch" - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cảnh báo.
Ông Tuấn nói công tác quản lý, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do đó UBND tỉnh Phú Yên đã giao hai thị xã Sông Cầu, Đông Hòa và huyện Tuy An huy động cả hệ thống chính trị từ cơ sở đến cấp huyện vào cuộc quyết liệt.
"Phải quản lý chặt chẽ việc nuôi trồng và xem đây là tiêu chí để xem xét đánh giá cán bộ hàng năm của các cấp" - ông Tuấn yêu cầu.
UBND tỉnh Phú Yên cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương trong tháng 7-2024 hoàn thiện đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 để có quy hoạch vùng nuôi trồng rõ ràng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận