Ngày 24-5, PGS.TS Võ Văn Nha - viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III - cho biết việc tôm hùm, cá biển chết có thể nhận định nguyên nhân chính do thiếu oxy hòa tan trong nước.
"Vì vậy, người nuôi cần triển khai ngay việc nâng các lồng nuôi lên gần mặt nước. Đồng thời, phải tiến hành che mát các lồng nuôi bằng cách dùng lưới lan hay tận dụng tàu dừa sẵn có ở địa phương.
Người nuôi cần phải trang bị một số bình oxy hay oxy dạng hạt để xử lý kịp thời, cung cấp oxy trong giai đoạn tôm, cá nuôi bị thiếu oxy, nhất là vào ban đêm, lúc thủy triều rút" - ông Nha hướng dẫn.
Theo ông Nha, trước mắt chính quyền và các hộ nuôi ở địa phương cần di chuyển hoặc giảm số lượng lồng nuôi trên một đơn vị diện tích ở tại vùng nuôi này, kéo tất cả số lồng nuôi có tôm, cá chết (lồng không còn tôm, cá) lên bờ để giảm tải vùng nuôi và tăng cường sự lưu thông nước.
Ông Nha cũng lưu ý người nuôi trong quá trình di dời, cần chú ý đến sức khỏe của tôm, cá, hạn chế làm vật nuôi bị sốc.
Đồng thời, người nuôi cần xuất bán ngay khi thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, không nên giữ lại chờ giá vì vùng nuôi chưa đảm bảo an toàn, nếu lưu giữ lại sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Kết quả quan trắc môi trường tại Sông Cầu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho thấy hàm lượng oxy hòa tan (DO) chưa phù hợp cho nuôi tôm hùm, cá biển tại thời điểm khảo sát, nhiệt độ nước cao hơn so với cùng kỳ.
Tôm hùm và cá chết thiệt hại 38 tỉ đồng
Ngày 24-5, ông Lâm Duy Dũng - phó chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu - cho biết theo thống kê tính đến 15h ngày 23-5, trên địa bàn thị xã có gần 67 tấn tôm hùm và gần 62 tấn cá biển bị chết.
"Ước tính giá trị thiệt hại của tôm hùm và cá biển bị chết là hơn 38 tỉ đồng. Hiện chúng tôi vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng khắc phục sự cố cũng như tìm giải pháp để tránh xảy ra tình trạng tôm hùm chết hàng loạt" - ông Dũng cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận