Chiều 20-5, ông Lâm Duy Dũng - phó chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu - cho biết những ngày qua tôm hùm lại chết hàng loạt ở vùng nuôi được xem là "vương quốc tôm hùm" ở phía bắc thị xã này.
Ở xã Xuân Thịnh đã có 160 hộ bị thiệt hại với khối lượng tôm hùm chết hơn 60 tấn.
Nguyên nhân 25 tấn tôm hùm xanh bị chết ở Phú Yên
Lại nuôi tôm hùm quá dày
Nguyên nhân tôm chết, theo bà Lê Thị Hằng Nga - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên, là do nuôi quá dày.
"Nguyên nhân ban đầu do người dân nuôi trồng thủy sản quá dày đặc nên môi trường nước bị ô nhiễm, đồng thời gặp thời tiết nắng nóng kết hợp mưa dông dẫn đến môi trường nước thay đổi đột ngột, nên tôm chết hàng loạt", bà Nga giải thích.
Chi cục này đã vận động người dân khẩn trương vớt tôm đưa lên bờ để bán nhằm vớt vát được phần nào hay phần đó.
Một lãnh đạo Sông Cầu thừa nhận mặc dù chính quyền vẫn thường xuyên khuyến cáo bà con thả nuôi tôm với mật độ vừa phải nhưng bà con vẫn thấy lợi trước mắt, đổ xô thả nuôi dày đặc nên vùng nuôi bị ô nhiễm, đồng thời nắng nóng khiến tảo có hại phát triển làm ngộp tôm.
Cũng trong ngày 20-5, ông Lê Tấn Hổ - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên - đã đến các vùng nuôi tôm hùm bị chết hàng loạt để chỉ đạo khắc phục thiệt hại.
Ông Hổ đề nghị người nuôi thu hoạch các loại tôm hùm, cá đã đạt kích cỡ thương phẩm để bán, giảm thiệt hại.
Đồng thời, chính quyền địa phương hướng dẫn cho người nuôi không bỏ xác thủy sản chết tại các vùng nuôi mà đem vào xử lý để tránh ô nhiễm trên diện rộng.
Phải kiểm soát chặt chẽ
Theo bà Nga, để giảm thiểu rủi ro khi nuôi trồng thủy sản, người dân khi nuôi trồng thủy sản phải kiểm soát được mật độ thả nuôi, kiểm soát nguồn thức ăn, theo dõi tình hình thời tiết, trong quá trình nuôi phải có ý thức bảo vệ môi trường, thu gom thức ăn thừa.
"Các chất thải phát sinh trong quá trình nuôi trồng thủy sản phải đưa vào bờ để xử lý không được vứt bừa bãi ở vùng nuôi. Khi tôm hùm xảy ra bệnh dịch phải thu gom, xử lý theo quy định.
Hiện Chi cục Thủy sản Phú Yên đang lập đề án nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh. Đồng thời khuyến cáo người nuôi tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mặt nước của địa phương để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững", bà Nga cho hay.
Theo lãnh đạo Sông Cầu, sau khi đề án được ban hành thì công tác quản lý các hộ nuôi tôm hùm sẽ tốt hơn.
Tôm hùm giá 50.000 đồng/kg
Anh Lê Văn Nguyên (35 tuổi, trú thôn Vĩnh Hòa, xã Xuân Thịnh) cho biết anh có hơn 10 lồng, bè nuôi tôm hùm, dự kiến đến cuối năm xuất bán, tuy nhiên những ngày qua đã có hơn 10.000 con tôm hùm chết.
"Chết nhiều quá nên tôi đếm không xuể, mới có mấy ngày mà hơn 10.000 con tôm của tôi đã chết, số còn lại thì sức khỏe rất yếu. Giờ cả nhà đang đem vào bờ để bán chỉ với giá 50.000 đồng/kg, chứ giờ trắng tay rồi" - anh Nguyên than thở.
Cùng cảnh ngộ với anh Nguyên, hơn 10.000 con tôm hùm xanh của bà Châu Thanh Thiên Lý (52 tuổi, trú thôn Vịnh Hòa) chết sạch, trong "chớp mắt" bà Lý mất gần 4 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận