01/04/2019 06:31 GMT+7

'Tôi mong còn chị mà chăm'

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Khi các em đã yên bề gia thất, bà Chúc cũng đã gần 40 tuổi. Ông Thành không đủ điều kiện kinh tế để nuôi con. Bà lại gửi tiền cho em nuôi 4 cháu ăn học đại học.

Tôi mong còn chị mà chăm - Ảnh 1.

Bà Chúc đã có một tổ ấm khi người em bên cạnh lúc đau ốm - Ảnh: TRẦN MAI

Tôi bỗng nhớ đến ca khúc Chị tôi của nhạc sĩ Trần Tiến khi nghe câu chuyện của ông Trần Đức Thành (64 tuổi, xã Đức Phú, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) trong những tháng ngày đưa chị từ quê lên thành phố điều trị ung thư máu tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM.

Chị của ông Thành là bà Trần Thị Chúc (70 tuổi) đã dành cả cuộc đời mình để lo cho mẹ, cho em, cho cháu. Khi người mẹ qua đời, ông Thành chợt nhận ra chị đã 54 tuổi, chưa lấy chồng. Ông Thành cảm thấy ân hận bởi không kịp chia sẻ nỗi khổ cực để chị có một tổ ấm.

Chị tôi...

Một ngày, theo đúng hẹn của bác sĩ, ông Thành lại đưa chị từ quê nhà Đức Phú vào Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM. Hành trang của hai chị em là ít quần áo, giấy hẹn tái khám và những vật dụng thiết yếu nhất cho cuộc hóa trị dự kiến kéo dài một tháng. 

Ông Thành bảo: "Hai chị em đi từ 19h hôm qua, 6h hôm nay đến Sài Gòn. Bốc số xong, tôi chờ lấy máu xét nghiệm rồi đưa chị đi ăn".

Bệnh viện ken kín người, đủ phương ngữ tụ về, ở đó có những người xa lạ trở nên thân quen khi cùng chung cuộc chiến bệnh tật. Hơn 4 tháng "tham chiến" chống lại tử thần muốn kéo chị đi mãi mãi khỏi đời mình, ông Thành có những người quen như vậy. 

Cuộc hỏi thăm vội vã phải ngưng lại khi thấy bà Chúc tỏ ra mệt mỏi. Ông Thành nắm đôi tay chị, đưa đến một quán nước nghỉ ngơi, rồi ông trở lại bệnh viện theo dõi những con số chạy trên màn hình điện tử chờ đến lượt.

Kể về chị mình, ông Thành thường buông những tiếng thở dài và ánh mắt đôi khi vô định. Trong ông là sự tiếc nuối. Giá như ông có thể trở lại quá khứ, chắc chắn sẽ không để chị mình cô đơn. Năm ấy, khi ông Thành lên 3 tuổi, người cha đột ngột qua đời. Ký ức mỏng manh về cha có chăng tồn tại qua lời kể của chính bà Chúc dành cho ông.

Ngày cha mất, người mẹ trẻ gục ngã, bốn người con còn bé nhỏ ngơ ngác trước số mệnh. Lúc đó bà Chúc 8 tuổi, lĩnh vai chị. Càng lớn, bà Chúc càng san sẻ gánh nặng cho mẹ. Ông Thành vẫn nhớ hình ảnh chị mình ăn toàn khoai sắn, những hạt cơm ít ỏi chị nhường cho em. "Chị thương chúng tôi lắm, cái gì cũng nhường" - ông Thành tâm sự.

Ngày tháng trôi đi, những đói no, lo toan không ngăn con người ta lớn lên. Dù bộn bề việc đồng án cùng mẹ nuôi em, bà Chúc vẫn học rất giỏi. Cái chữ, điều bà tâm niệm sẽ giúp các em bớt khổ, bà không cho phép bất kỳ người em nào nghỉ học. 

Kết quả là tất cả em út đều thành danh. Phần bà Chúc, 24 tuổi, trở thành cô giáo, đồng lương ít ỏi thời ấy bà đưa cho mẹ tất cả để nuôi em. 

"Buổi đi dạy, buổi chị về làm nhiều việc lắm, cái gì cũng gánh, cũng gồng để chúng tôi an tâm học hành" - ông Thành kể, nước mắt lăn nhẹ qua kẽ mắt như một lẽ tự nhiên của cảm xúc.

Dạy học được bốn năm, bà Chúc bị buộc thôi dạy vì những lý do thời cuộc lúc bấy giờ. Đó là vào năm 1977. Thời điểm ấy là lúc gia đình lao đao nhất, những người em bước vào ngưỡng cửa mới, người mẹ lại đổ bệnh. Đôi vai bà Chúc chìa ra gánh mọi chuyện trong nhà thay mẹ.

Không chỉ tôi mà nhiều người nhận ra cuộc sống cuốn mình đi, bận rộn khiến mình quên mất những người thân yêu. Thật sự nghe câu chuyện của chú, muốn về nhà ăn cơm cùng cả nhà.

Anh Du (thân nhân bệnh nhân Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM)

Dựng vợ gả chồng cho em

"Xin mời bệnh nhân số...". Tiếng loa vang lên, ông Thành vội dừng câu chuyện, đưa chị đi làm xét nghiệm. Xong hết, ông dẫn chị đi ăn. Bữa cơm tạm bợ giữa Sài Gòn không ngon như ở quê. Nhưng những lời động viên của ông Thành đủ làm người chị cố gắng lót dạ.

Bà Chúc cười hiền lành khi nhớ đến ngày đã cũ. 

Ngày rời khỏi bục giảng, ruộng rẫy trở thành nơi lui tới mỗi ngày. Mầm khoai nẩy lên từ đất cát chỉ đủ cho bà nghĩ đến bữa ăn của năm con người. Những chàng trai tìm đến, bà lần lữa rồi từ chối. 

"Tôi cũng từng nghĩ đến tổ ấm riêng cho mình. Nhưng lấy chồng thì làm sao nuôi em, nuôi mẹ. Lúc đó tôi tạm gác lại chuyện riêng của mình" - bà Chúc tâm tình.

Ông Thành lấy tay xoa nhẹ đôi vai chị góp lời: "Chị tôi hồi trẻ đẹp có tiếng đó. Người ta theo đuổi nhiều lắm". 

Tôi ngồi đối diện bà, nhìn khuôn mặt còn nguyên vẻ thục nữ dù bị thời gian và bệnh tật tàn phá, cũng đủ hình dung thời thanh xuân xinh đẹp của bà Chúc.

Tôi mong còn chị mà chăm - Ảnh 3.

Ông Thành (trái) trao đổi về cách chăm sóc người bệnh với nhiều người nhà khác - Ảnh: TRẦN MAI

Bỏ qua yêu thương riêng mình, bà Chúc tích góp mở một kiôt bán quần áo ở chợ kiếm thêm tiền. Cái kiôt ấy giúp bà có thêm tiền lo hôn sự cho các em và tiền thuốc cho mẹ. "Chị tôi dựng vợ gả chồng cho các em trong nhà. Rồi chị lại tảo tần nuôi mẹ cho chúng tôi yên tâm lo tổ ấm riêng của mình" - ông Thành kể.

Khi các em đã yên bề gia thất, bà nhìn lại mình đã gần 40 tuổi. Lúc này các cháu đã đến tuổi đi học. Cuộc sống thời điểm ấy quá khó khăn, riêng ông Thành có 4 đứa con, ai cũng học giỏi. Khổ nỗi, ông Thành không đủ điều kiện nuôi con. Bà Chúc lại gửi tiền cho em nuôi cháu. 

"Bốn con tôi đậu và học xong đại học, ra đi làm cũng nhờ tay chị đỡ đần rất nhiều" - ông Thành tâm sự.

Khi gia đình các em đã ổn định, cuộc sống khấm khá thì người mẹ phát hiện bị ung thư gan. Tổ ấm riêng bà chỉ có mẹ và mình. Bà lao vào cuộc chiến giành giật cuộc sống cho mẹ. Rồi người mẹ cũng không thắng được bệnh. 

16 năm trước, bà Chúc cô đơn trong căn nhà chỉ có một mình, lúc đó bà đã 54 tuổi. "Tôi hối hận lắm, giá như ngày đó gánh vác được cho chị thì giờ ít nhất chị cũng có một gia đình đúng nghĩa. Chị tôi đã hi sinh cho gia đình quá nhiều. Mỗi lần tôi nghe bài hát Chị tôi của nhạc sĩ Trần Tiến thấy thương chị và trách mình nhiều lắm" - ông Thành trải lòng.

"Hiếu với chị như với mẹ" - ông Thành nói và cho biết giờ ông chỉ lo chăm sóc chị. Các con ông đóng góp toàn bộ viện phí. 

Ở quê, vợ chồng ông cũng đã đóng cửa nhà riêng về sinh sống cùng chị nửa năm nay. Những lần hóa trị liều cao, vợ ông cũng vào TP.HCM cùng chồng chăm chị. Với ông Thành, đó là tổ ấm, là bù đắp muộn màng dành cho chị.

Tình cảm của ông Thành dành cho bà Chúc thật sự làm rung động nhiều người bệnh và người nhà. 

Anh Du, thân nhân một bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Truyền máu - huyết học, chia sẻ: "Nhìn thấy chú Thành chăm chị mà thương. Không chỉ tôi mà nhiều người nhận ra cuộc sống cuốn mình đi, bận rộn khiến mình quên mất những người thân yêu. Thật sự nghe câu chuyện của chú, muốn về nhà ăn cơm cùng cả nhà".

Cầu mong còn chị mà chăm

Dáng bà Chúc mệt mỏi ngồi truyền máu ở phòng "truyền máu trong ngày" tại bệnh viện, ông Thành đứng ngoài nhìn vào theo dõi từng động tĩnh. May quá, hôm nay bà Chúc tạm ổn, bác sĩ khám cho về, hẹn một tuần sau trở lại nhập viện tiếp tục hóa trị.

Với ông Thành, ở bệnh viện hay về nhà cũng chẳng bao giờ mệt mỏi. Sáu tháng qua, ông ngủ dưới gầm giường hoặc hành lang chăm chị. Tuổi đã cao, nhiều lúc ông cũng ê lưng. Nhưng nhìn lại những hi sinh của chị, ông Thành thấy chẳng thấm thía gì.

Ông biết bù đắp cho chị chẳng thể nào đủ. Ông Thành tâm tư: "Tôi mong còn chị mà chăm".

Cứ thế, mỗi ngày những người nuôi bệnh ở đây lại thấy một người đàn ông luống tuổi đi chợ nấu ăn, chăm lo cho chị từ vệ sinh đến canh từng giọt hóa chất truyền qua tĩnh mạch.

Những vết thâm đen, vết chai sần trên đôi tay chị khiến ông Thành đau lòng. Những lần xuyên đêm canh thuốc, nhìn chị ngủ, ông Thành lại nhớ những ngày tháng chị thức đêm phun thuốc lúa, tờ mờ sáng đã dậy chạy chợ buôn bán. Đồng tiền ấy, bà Chúc đâu dành cho mình.

26 năm cưu mang tìm kiếm cội nguồn cho một người điên 26 năm cưu mang tìm kiếm cội nguồn cho một người điên

TTO - 26 năm sau khi người thanh niên điên dại đói khát xuất hiện ở xã biển Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) và được gia đình người bác sĩ cưu mang đã diễn ra một cuộc trùng phùng đầy cảm động.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên