25/07/2014 10:26 GMT+7

Tôi kiện cho hàng triệu người

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - “Đây là cống hiến cuối cùng của đời tôi”, bà Trần Tố Nga lặp đi lặp lại điều ấy với các nhà báo Pháp trong những ngày này, khi bà trở thành nhân vật được các báo xếp hàng chờ phỏng vấn sau khi đơn kiện được tòa án chấp nhận xem xét.

Một mình một vụ kiện da cam

RKgmnR6Y.jpg
Bà Trần Tố Nga (dấu tròn) trong một lần được gặp Bác Hồ khi học ở miền Bắc - Ảnh tư liệu gia đình

Là cống hiến cuối cùng, bởi cả đời bà đã miệt mài với hai chữ “cống hiến” được bà ngoại, được mẹ dạy cho từ khi mới biết đi, biết chạy...

Một đời cống hiến

13,05 triệu gallon

Ngày 10-8-1961, chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bắt đầu phun thuốc khai quang trên bầu trời Kon Tum với mục đích “tiêu diệt cây cỏ để nhìn thấy Việt cộng”. Theo diễn biến chiến tranh, các chuyến phun thuốc ngày một dày hơn, những thùng chứa chất độc được chở đến nhiều hơn, và các hỗn hợp chất khai quang cũng ngày một đậm đặc hơn. Chỉ tính trong khoảng thời gian cao điểm nhất, từ tháng 7-1965 đến tháng 6-1970, đã có hơn 20.000 chuyến phun thuốc với 13,05 triệu gallon (tương đương 49,4 triệu lít - PV) phun xuống Việt Nam. Hai phần ba trong đó là chất da cam.

ROBERT ALLEN (trích Chất độc da cam - Thảm kịch và di họa)

Vốn là một tiểu thư Sài Gòn, học trường Tây (Trường Marie Curie - PV), 13 tuổi Trần Tố Nga được mẹ gửi ra Bắc học Trường học sinh miền Nam. Mười năm trên đất Bắc, cô đã tốt nghiệp ĐH Tổng hợp khoa hóa mà chiến tranh vẫn ngày càng ác liệt. Cầm bằng đại học, Tố Nga khoác balô lên vai, cùng bạn bè vượt Trường Sơn vào Nam để được chiến đấu cùng với mẹ, kéo gần hơn ngày hòa bình.

Những cán bộ công tác ở các cơ quan thông tấn, Ủy ban giáo dục miền Nam, Ban Trí vận Sài Gòn - Gia Định khi xưa ai cũng nhớ cô phóng viên Tố Nga xinh đẹp, thông minh và cũng đầy suy tư. Nhắc về những ngày ấy, bà kể những lát cắt sắc như dao: “Tôi đã từng bị đạn rocket bắn đuổi sau lưng, đã từng hứng những trận bom giội ngay xuống đầu, thấy đồng đội chết trước mắt vì bom bi xuyên khắp thân thể, đã từng chôn bạn bằng tay không, từng bị treo lên tra tấn để moi những bí mật trong tim mình, đã từng sinh con, nuôi con trong rừng rồi trong tù...”.

Câu chuyện bà Nga sinh con trong tù rồi bế con gái mới tròn 4 tháng tuổi ra khỏi xà lim của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn tìm đường về nhà trong ngày 30-4-1975 thường được các đồng đội của bà kể như một dấu ấn của ngày thống nhất. Còn bà thì nhắc đến những người dân đã trợ sức cho mình: một cậu giao liên không biết mặt ở xà lim kế bên đã nhét cho nửa củ khoai luộc, một cô bé được mẹ vào thăm nuôi đã chia cho một con dế rang trong bụng có nhét hột đậu phộng, một anh khác giấu cho một miếng khô, người giám thị để dành cho chút cơm trắng khi thấy cô bị đưa đi thẩm vấn qua giờ cơm... “Những chia sẻ ấy đã giúp tôi có dũng khí bảo vệ bào thai qua những đòn tra tấn, có sức sinh con. Những cô hộ lý, y tá ở nhà thương Chợ Quán đã hết lòng giúp đỡ khi biết tôi là tù chính trị, mặc kệ hiểm nguy trước mũi súng cảnh sát. Lòng dân là như thế. Nghĩ đến người dân là tôi lại như được thôi thúc phải tiếp tục. Tiếp tục chiến đấu. Tiếp tục cống hiến...”.

Hòa bình rồi, Tố Nga đã vượt qua cuộc chiến tranh, rỡ ràng ôm con về lại Sài Gòn nhưng mẹ cô, bà Nguyễn Thị Tú, hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam, thì không về. Tố Nga nhớ mẹ đã bao ngày ước ao: “Mai sau hòa bình, mình sẽ... mình sẽ...”. Mẹ đã không về, thì đến lượt các con của bà sẽ..., sẽ...

Những năm tháng sau ngày thống nhất đầy gian khó. Có nhiều người Sài Gòn hôm nay vẫn còn nhớ cái tên Trần Tố Nga một thời gắn liền với vai trò hiệu trưởng các trường Lê Thị Hồng Gấm, Marie Curie, Sư phạm kỹ thuật, vật lộn với công tác xây dựng trường ở những giai đoạn khó khăn nhất. Hòa bình không chỉ có màu hồng. Cô giáo Nga phải vừa đến trường, vừa học nuôi heo, nuôi cá, nuôi gà để nuôi con. Bà Nga hôm nay tâm sự đầy xúc động: “16 năm ở ba trường, có lẽ tôi là “hiệu trưởng cá biệt” nhất, có nhiều vấn đề nhất trong các hiệu trưởng. Nhìn lại, tôi có nhiều ân hận vì đôi khi những ấu trĩ, thiếu hiểu biết, những cơn nóng tính của mình đã làm phiền hà đến giáo viên và học sinh. Nhưng tôi cũng có nhiều phần thưởng: không phải ai cũng được làm hiệu trưởng ngôi trường tuổi thơ của mình (Trường Marie Curie - PV), không phải ai cũng được đặt tên cho trường của mình (bà Nga đã đổi tên Trường Régina Mundi - Nữ Vương Thế Giới - thành Lê Thị Hồng Gấm - PV), không phải ai cũng được bảo vệ chương trình đào tạo của trường từ trung cấp lên cao đẳng (Trường Sư phạm kỹ thuật - PV). Tôi đã xây dựng những ngôi trường của tôi bằng cả trí tuệ và trái tim mình, yêu thương từng dãy lớp, góc sân, tự hào khi nhớ từng gương mặt giáo viên, khi tình cờ gặp một học trò ở góc bể chân trời nào đó...”.

Và bà viết: “Với tất cả những gì đã sống qua, làm sao không yêu cuộc sống cho được, làm sao không quý trọng hòa bình đã được đổi bằng máu xương của người thân, làm sao không yêu quý con người cho được?...”. Với tình yêu ấy, khi đã đến tuổi hưu, bà không chịu ngơi nghỉ mà lại thêm quyết tâm: “Giờ đã rũ bỏ được những vướng bận để tập trung sức mà lo cho con người, như lời thề với mẹ ngày xưa: vì hạnh phúc của con người mà phấn đấu”.

LEyaD1kz.jpg
Bà Trần Tố Nga và con gái đầu lòng - Ảnh tư liệu gia đình

Vì con người

Công ty du lịch Liên Hồng, mang tên hai cô con gái Việt Hồng - Việt Liên, của bà ra đời, làm những gạch nối cho các hoạt động thiện nguyện. Những đoàn khách từ Pháp được bà đưa sang Việt Nam tìm hiểu thiên nhiên, con người ở đất nước đã một thời gắn bó trong lịch sử. Những đoàn cựu binh Pháp được bà đưa trở lại chiến trường Điện Biên Phủ đã xúc động xin được xúc tiến những hoạt động như xây trường học, trạm xá. Những bác sĩ Pháp nghe bà kể chuyện Việt Nam đã đến Cần Thơ phẫu thuật cho hàng trăm trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch để mang lại hàng trăm nụ cười. Câu chuyện Việt Nam qua cuộc đời mình đã được bà Nga chia sẻ với nhiều người, nhiều nơi ở Pháp, và những nguồn tài trợ từ trái tim đã đổ về những vùng bị chiến tranh và chính người Pháp tàn phá: Điện Biên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ... để biến thành trường học.

Đáp lại những hoạt động không mệt mỏi vì tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Pháp của bà, tháng 7-2004 Chính phủ Pháp trao tặng Bắc đẩu Bội tinh cấp hiệp sĩ, qua đó bà được tạo điều kiện để nhập quốc tịch, chính thức trở thành công dân Pháp. Những hoạt động thiện nguyện như được chắp thêm cánh để ngày một sôi nổi hơn, bất chấp tuổi tác. Nhiều nhất vẫn là những chuyến tìm kiếm, thăm hỏi nạn nhân chất độc da cam, vì nỗi ám ảnh không phai mà mỗi bi kịch để lại khi được chứng kiến. Chính giữa những chuyến đi đó, bà nhận được tin về chứng bệnh Alpha Thalassemia mà cô con gái Việt Hồng mắc phải, rồi lại đến Việt Liên. Khi đó, bà Nga mới biết chính mình và các con cũng là nạn nhân của chất độc da cam.

Con đường để bà Nga trở thành nguyên đơn của cuộc chiến công lý lần thứ hai này đã được nối. Nhưng để theo đuổi nó, bản lĩnh tích tụ cả đời của bà chừng như vẫn chưa đủ. Trong những câu chuyện bà luôn nhắc đến mẹ, đến bà ngoại. Mỗi lần về lại căn nhà ở đường Trần Hữu Trang, bà lại thắp nén nhang, ngắm những tấm ảnh xếp đầy bàn thờ, thì thầm: “Ông bà ngoại, ba mẹ, hãy cho con thêm sức mạnh”.

Kỳ tới: Bà ngoại anh hùng

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên