10/11/2020 11:30 GMT+7

Tôi ít leo núi ở Việt Nam, bởi đi nước ngoài... tiện hơn

HOÀNG LÊ GIANG
HOÀNG LÊ GIANG

TTO - Các hành trình leo núi ở Việt Nam thường ít bên cung cấp dịch vụ, và dựa trên hợp đồng miệng, không rõ ràng những cam kết của bên hướng dẫn/ hỗ trợ khuân vác.

Tôi ít leo núi ở Việt Nam, bởi đi nước ngoài... tiện hơn - Ảnh 1.

Bảng chỉ dẫn trên đường tới Manaslu Base Camp (Nepal) trong chuyến đi năm 2017 - Ảnh: HOÀNG LÊ GIANG

Mặc dù đã đi rất nhiều nơi, tôi ít leo núi ở Việt Nam. Lý do là hướng dẫn và thông tin mập mờ quá. Để hỗ trợ hậu cần, đa số người ta vẫn phải truyền tay nhau số điện thoại của anh xe ôm hoặc anh porter nào đấy, rồi sau đó tự thuê mướn xe đến một bản làng gần núi bắt đầu hành trình. 

Nơi ngủ lại qua đêm thường là một lán tạm bợ hoặc cắm trại ở một bãi đất trống. Đường đi lên núi đa số phải nhờ vào kiến thức dẫn đường của anh guide có kinh nghiệm đi rừng chứ cũng không qua lớp đào tạo về sơ cứu. 

Ở New Zealand, các cung đường đi có nhà nghỉ tươm tất, cũng là nơi tập kết rác, có người dọn dẹp vệ sinh. Khách muốn sử dụng phải đăng ký và đóng tiền trước để dùng giường tầng có sẵn, hoặc dùng bãi đất để cắm lều và bếp chung. Việc này bảo đảm mỹ quan và vệ sinh cho cả khu vực. 

Dọc đường đi cũng có biển chỉ dẫn rõ ràng cho du khách muốn đi tự do. Thông tin đến một đỉnh núi có cụ thể bao nhiêu cung đường, phân loại độ khó, thời gian leo và nơi bắt đầu từ đâu, làm cách nào để tới làng đó từ các thành phố lớn hay sân bay. 

Tôi ít leo núi ở Việt Nam, bởi đi nước ngoài... tiện hơn - Ảnh 2.

Đường trek vào rặng Zanskar (Ladakh, Ấn Độ) năm 2018 - Ảnh: HOÀNG LÊ GIANG

Ngoài ra, như ở Nepal còn có các điểm kiểm tra thời gian đi vào là khi nào để phục vụ thống kê, công tác cứu hộ nếu cần. Họ sẽ thu phí mỗi cung trekking và dùng phần này để thu dọn vệ sinh, tu bổ các cây cầu hay đường mòn. Đoạn khó leo sẽ có dây thừng hoặc thang sắt bắt vĩnh viễn vào sườn đá để bảo đảm an toàn và dễ hơn cho người leo. 

Công trình trên núi luôn được làm từ đá hay gỗ, vật liệu tự nhiên và không phá hỏng cảnh quan, và được đặt khéo léo để khách ngủ đêm nơi đó, sáng hôm sau có thể dậy từ 4h để lên điểm ngắm bình minh, chứ không xây ngay chỗ đẹp nhất, càng không xây quá xa để phải đi trong đêm tối. 

Những nhà nghỉ hay lán trại này cũng có thể cho thuê và bán đèn pin đeo đầu, gậy leo núi, ủng cao su, thức ăn địa phương, vừa tạo thêm nguồn thu, vừa thuận lợi cho người du lịch.

Tôi ít leo núi ở Việt Nam, bởi đi nước ngoài... tiện hơn - Ảnh 3.

Đường tới đỉnh Stok Kangri (Ấn Độ) cao 6.153m - Ảnh: HOÀNG LÊ GIANG

Các hành trình leo núi ở Việt Nam thường ít bên cung cấp dịch vụ, và dựa trên hợp đồng miệng, không rõ ràng những cam kết của bên hướng dẫn/ hỗ trợ khuân vác. Hoặc thường họ chỉ làm dịch vụ trọn gói bao gồm đưa rước từ Hà Nội đến lúc leo núi và trở về. Tôi cũng không rõ thang độ khó của các ngọn núi, mà chỉ có thể thông qua lời kể hoặc đọc về miêu tả, vì không có thang điểm đánh giá chính thức từ bên có thẩm quyền. 

Khi đi leo núi ở nước ngoài, với một số núi khó hoặc gần biên giới thì việc đi với guide đôi khi là bắt buộc, hoặc cơ quan quản lý sẽ đóng cửa lên núi nếu trời mưa lớn, dự báo thời tiết không thuận lợi. 

Việc đăng ký dự định ngày đi và ngày về cũng hỗ trợ công tác cứu hộ, và biết được thời gian mất tích hoặc đi lạc. 

Tôi ít leo núi ở Việt Nam, bởi đi nước ngoài... tiện hơn - Ảnh 4.

Đường tới Everest Base Camp - Ảnh: HOÀNG LÊ GIANG

Một số nước làm tuyến đường để tạo ra 1 cung đi được 5 - 6 đỉnh núi, kéo dài 1 đến 2 tuần, trong khi ở Việt Nam chỉ 3 đến 4 ngày là hết, nên cảm thấy chưa đủ cho 1 chuyến đi với người từ xa sắp xếp bay đến. 

Đặc biệt, các bản làng cũng thường xây dựng có quy hoạch để không bị bê tông hóa hoặc phá vỡ cảnh quan chung, khách du lịch có thể đến và thư giãn, tận hưởng sự yên tĩnh và trong lành của phố núi vài ngày trước khi quay về. Đó là những điều còn khá thiếu sót ở Việt Nam.

Hoàng Lê Giang từng leo Manaslu Base Camp (Nepal), Everest Base Camp (Nepal), Annapurna Base Camp (Nepal), Elbrus (Nga), Roys Peak (New Zealand), Kilimanjaro (Tanzania), Stok Kangri (Ấn Độ), Mentok Kangri (Ấn Độ), cùng nhiều núi nhỏ khác ở Nauy và New Zealand.

Mời bạn tham gia Diễn đàn hiến kế liên kết du lịch TP.HCM và các tỉnh thành

Sở Du lịch TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn hiến kế trực tuyến liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Mục tiêu của diễn đàn là mong lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như độc giả cả nước trong việc phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai. Diễn đàn này cũng nhằm mở ra chương trình kích cầu du lịch của TP.HCM giai đoạn 2 với tâm thế "With COVID-19" (Cùng với COVID-19).

Diễn đàn mong nhận được nhiều bài viết hiến kế đóng góp của độc giả, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trên cả nước từ nay đến 30-11-2020. Ý kiến xin gửi về email: hienkedulich@tuoitre.com.vn.

Tôi ít leo núi ở Việt Nam, bởi đi nước ngoài... tiện hơn - Ảnh 7.
'Nàng công chúa ngủ quên ở Bắc Kạn': mỏ vàng du lịch ít khách nhất cả nước

TTO - Chỉ cách Hà Nội hơn 200km, có hồ Ba Bể là di tích quốc gia đặc biệt, rất giàu có về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, Bắc Kạn lại là một trong những tỉnh đón ít khách du lịch nhất cả nước.

HOÀNG LÊ GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên