Ông Yasushi Ogura ở Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang (Đông Bắc) - Ảnh: NVCC
Suốt 20 năm đi lại giữa Việt Nam và Nhật Bản, gắn bó và giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc đặc biệt là người dân tộc Lô Lô ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang làm du lịch, ông Yasushi Ogura nay đã gần như trở thành một người con của núi rừng Tây Bắc, với hiểu biết sâu sắc về ngành du lịch địa phương.
Tuổi Trẻ Online có cuộc trò chuyện với ông về việc khai thác du lịch ở các tỉnh Đông Bắc Việt Nam, và gợi mở những giải pháp hữu hiệu để phát triển du lịch bền vững nơi đây.
Ông Yasushi Ogura và nữ du khách Nhật tại quán cà phê Cực Bắc mà ông đã giúp đỡ một gia đình người Lô Lô xây dựng tại ngôi nhà trình tường của gia đình - Ảnh do nhân vật cung cấp
* Ông từng bỏ 200 triệu đồng giúp một gia đình người Lô Lô mở quán cà phê Cực Bắc ngay tại nhà của gia đình này dưới chân cột cờ Lũng Cú. Vì sao ông lại có quyết định này?
- Trong 20 năm nay, tôi thường xuyên đi du lịch các tỉnh ở Tây Bắc, Đông Bắc Việt Nam. Những nơi tôi đã đi qua đều rất đẹp, nhưng tôi ấn tượng nhất với Hà Giang vì phong cảnh thiên nhiên kỳ thú hiếm có và văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số.
Tôi đã được đến thăm nhiều ngôi làng thật đẹp, đặc biệt là thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn). Nơi đây vẫn còn nhiều nhà trình tường theo kiểu kiến trúc truyền thống của người Lô Lô, với những bức tường đá rất đẹp.
Nhưng gần đây, cuộc sống của người dân càng ngày hiện đại hóa. Những ngôi nhà mới bằng xi măng dần mọc lên thay thế nhà trình tường. Làng nào cũng vậy.
Người dân tộc Lô Lô hiện có dân số cực thấp. Du khách không mấy người biết về văn hóa của họ. Nếu không có hành động kịp thời, cả cảnh quan trong những ngôi làng của người Lô Lô và văn hóa của họ sẽ sớm mai một, biến mất.
Làm cho người dân tự hào về nền văn hóa của mình và bảo vệ nó là rất cần thiết.
Trong khả năng của mình, tôi quyết định giúp một gia đình người Lô Lô mở một quán cà phê phục vụ du khách trong một ngôi nhà truyền thống, không chỉ có dịch vụ cho du khách mà còn là địa điểm giới thiệu cho du khách về văn hóa Lô Lô, nhà trình tường truyền thống rất đẹp của họ.
Theo ông Yasushi Ogura, thiên nhiên tuyệt đẹp và văn hóa độc đáo của người dân bản địa ở Hà Giang rất hấp dẫn du khách - Ảnh do nhân vật cung cấp
* Ông đánh giá thế nào về tiềm năng du lịch của Hà Giang nói riêng và các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc Việt Nam nói chung?
- Tôi đánh giá khá cao tiềm năng du lịch của các tỉnh thành này. Họ luôn đang có 2 điều đáng tự hào.
Một là bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc. Đây là tài nguyên du lịch rất giá trị, vì du khách thích trải nghiệm những thứ khác với văn hóa của mình như nghề thủ công, trang phục truyền thống, các món ăn dân tộc, các lễ hội...
Hai nữa là phong cảnh thiên nhiên ở các tỉnh này đều rất kỳ vĩ và phong phú với rừng, thung lũng, thác, núi đá... Nếu các tỉnh tận dụng tối đa 2 tài nguyên du lịch này, có thể phát triển du lịch tốt hơn nữa.
Ông Yasushi Ogura đã có 20 năm du lịch tới các tỉnh thành miền núi phía Bắc Việt Nam. Trong ảnh là thiên nhiên và con người ở huyện Đồng Văn, Hà Giang - Ảnh do nhân vật cung cấp
Hà Giang có những khu du lịch đẹp trải rộng trên nhiều địa bàn. Công viên Địa chất cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang trải rộng tới 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.
Ở mỗi huyện này lại có nhiều điểm dừng chân đến nỗi nếu du khách chỉ có 1-2 ngày cho chuyến du lịch thì không đủ thời gian để tham quan tất cả.
Các địa điểm dừng chân lại rất đa dạng, từ làng văn hóa các dân tộc đến di sản kiến trúc, thắng cảnh thiên nhiên… nên du khách khó lòng bỏ qua một điểm nào.
Đối với tôi, những dãy núi đá hùng vĩ ở Đồng Văn do địa chất Karst khiến nơi này có phong cảnh đẹp nhất ở Việt Nam.
Các huyện khác thuộc tỉnh Hà Giang cũng có nhiều điều hấp dẫn như ruộng bậc thang, các sản phẩm nông nghiệp, đồ thủ công, làng văn hóa, nhà sàn người Tày…
Phụ nữ mặc trang phục truyền thống ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Bức ảnh được ông Yasushi Ogura chụp năm 2005
* Theo ông vì sao du lịch của các tỉnh này chưa phát triển tương xứng với tiềm năng? Cần phải làm gì để phát triển du lịch bền vững ở các tỉnh này?
- Tôi nghĩ là người Việt, từ cả người dân và chính quyền, đều chưa có ý thức cao trong việc bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.
Các tỉnh đang cố gắng tập trung làm dự án du lịch quy mô lớn như những khu vui chơi hiện đại. Các dự án này giúp tăng lượng khách du lịch nhanh, nhưng lại tàn phá thiên nhiên và văn hóa bản địa. Khi tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bị mai một thì khách du lịch sẽ không đến nữa.
Tôi hiểu là trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam hiện nay, việc bảo tồn di sản văn hóa và nhiên thiên nguyên sơ rất khó. Tôi không phủ định tất cả những phát triển hiện đại hóa, nhưng các tỉnh Tây Bắc nên tìm hướng phát triển phù hợp với địa phương để bảo tồn tài nguyên, phát triển bền vững.
Một việc mà các tỉnh này cần làm là phải có quy hoạch chi tiết khu vực nào phải bảo tồn, rất hạn chế xây dựng nhà cao tầng, hạn chế đầu tư quy mô lớn và khu vực nào được phép xây dựng, tái thiết. Có quy hoạch tốt rồi thì bước tiếp theo là phải tuân thủ nghiêm quy hoạch.
Một vấn đề nữa cần lưu ý là ở Việt Nam hiện nay chủ yếu người thành phố làm du lịch, người dân bản địa chưa tham gia nhiều.
Trong khi đó, chỉ người dân bản địa mới làm tốt việc giới thiệu văn hóa của dân tộc mình cho du khách.
Khi người dân địa phương được giới thiệu văn hóa của mình cho du khách và việc này đem lại thu nhập tốt cho họ thì họ mới cảm thấy tự hào về văn hóa của mình, và mong muốn bảo tồn văn hóa, giúp phát triển du lịch cho địa phương.
Để có được điều này thì rất cần chính quyền giúp đào tạo kiến thức làm du lịch cho người dân và những hỗ trợ khác để phát triển du lịch cộng đồng.
* Cảm ơn ông!
Ngôi làng Ouchijuku, tỉnh Fukushima, Nhật Bản là một trong những mô hình làm du lịch cộng đồng thành công nhất ở Nhật Bản - Ảnh: Yasushi Ogura
Ngôi làng 300 dân, mỗi năm đón 800.000 lượt khách
Một ví dụ về mô hình làm du lịch cộng đồng rất thành công ở Nhật Bản được ông Yasushi Ogura giới thiệu với Tuổi Trẻ Online là làng du lịch Ouchijuku, tỉnh Fukushima, cách thành phố Tokyo khoảng 300km về phía bắc.
Dân số của thôn này chỉ có 300 người, nhưng mỗi năm lại đón khoảng 800.000 lượt khách.
Điểm hấp dẫn nhất của thôn này là có cảnh quan rất đẹp với những ngôi nhà truyền thống nằm dọc 2 bên đường cùng với môi trường văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ rất tốt. Các gia đình ở đây mở hiệu phục vụ món ăn địa phương hay bán sản phẩm nông nghiệp và đồ lưu niệm trong các ngôi nhà cổ.
Du lịch của làng thành công như vậy là do tất cả người dân ở đây đều đồng lòng bảo tồn cảnh quan và văn hóa truyền thống. Người dân tự đặt ra "hương ước" và tuân thủ chặt chẽ các quy định, như cấm phá nhà cổ, không bán đất cho nhà đầu tư của vùng khác...
Mời bạn tham gia Diễn đàn hiến kế liên kết du lịch TP.HCM và các tỉnh thành
Sở Du lịch TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn hiến kế trực tuyến liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Mục tiêu của diễn đàn là mong lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như độc giả cả nước trong việc phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai. Diễn đàn này cũng nhằm mở ra chương trình kích cầu du lịch của TP.HCM giai đoạn 2 với tâm thế "With COVID-19" (Cùng với COVID-19).
Diễn đàn mong nhận được nhiều bài viết hiến kế đóng góp của độc giả, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trên cả nước từ nay đến 30-11-2020. Ý kiến xin gửi về email: hienkedulich@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận