Các nhà hoạt động tập hợp bên ngoài trụ sở Hãng Bayer AG (công ty Đức mua lại Monsanto) ngày 14-3 để phản đối thuốc diệt cỏ Roundup gây ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường - Ảnh: AP
Đây là lần thứ 2 một tòa án Mỹ tuyên Roundup, thuốc diệt cỏ của Công ty Mosanto, thuộc sở hữu của Tập đoàn Bayer AG, gây ung thư. Tháng 8 năm ngoái, một người đàn ông khác cũng ở California đã được một tòa án cấp bang tuyên thắng kiện, buộc nhà sản xuất Roundup phải bồi thường 289 triệu USD trong phán quyết ban đầu, sau đó giảm còn 78,6 triệu USD.
Việc lần thứ hai liên tiếp một tòa Mỹ tuyên Roundup là nguyên nhân gây ung thư mở ra hi vọng cho những nạn nhân khác. Theo Bayer AG, tính đến tháng 2-2019 có khoảng 11.200 người đã khởi kiện Công ty Monsanto về những tác hại đến sức khỏe và môi trường của thuốc diệt cỏ Roundup.
"Nguyên nhân chính" gây ung thư
Theo New York Times, phán quyết ngày 19-3 là kết luận cho giai đoạn 1 của phiên tòa cấp liên bang về các cáo buộc nguy cơ sức khỏe liên quan tới Roundup và việc Công ty Monsanto có lừa dối ông Edwin Hardeman về các nguy cơ đó hay không.
Theo cáo trạng, ông Hardeman - 70 tuổi, cư dân thành phố Santa Rosa, bang California - đã dùng thuốc diệt cỏ Roundup để ngăn cỏ dại và cây thường xuân độc trên đất nhà ông suốt 26 năm, kể từ năm 1986. Năm 2016, ông được chẩn đoán mắc chứng u lympho không Hodgkin, một loại ung thư tác động lên hệ miễn dịch.
Ông Hardeman, theo báo Guardian, là người đầu tiên khởi kiện thuốc diệt cỏ Roundup của Công ty Monsanto tại một phiên tòa cấp liên bang, cáo buộc loại thuốc này đã gây bệnh ung thư cho ông.
Ông Edwin Hardeman (phải) rời tòa án liên bang tại San Francisco hôm 19-3 - Ảnh chụp màn hình AP
Bà Jennifer Moore, một trong các luật sư của ông Hardeman, cho biết sau phán quyết ở giai đoạn 1, tòa Mỹ sẽ bước vào giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 20-3 (giờ Mỹ) để xác minh trách nhiệm pháp lý của Công ty Monsanto, liệu họ có phải chịu trách nhiệm vì đã gây bệnh ung thư cho ông Hardeman không.
Tờ New York Times dẫn lời bà Moore cho biết các luật sư sẽ tìm căn cứ để chứng minh Công ty Monsanto đã thao túng công luận và giới khoa học để giảm nhẹ các nguy cơ với sức khỏe người dùng của thuốc diệt cỏ Roundup.
Các luật sư tiết lộ họ sẽ tranh luận rằng Monsanto đã biết hoặc lẽ ra nên biết Roundup gây ung thư. Nhóm luật sư đại diện cho nguyên đơn sẽ yêu cầu bồi thẩm đoàn bắt buộc công ty này phải thanh toán hóa đơn trị bệnh cho ông Hardeman, đồng thời phải bồi thường cả những tổn thất chưa xác định cho ông.
"Chúng tôi cảm thấy tin tưởng. Khi bồi thẩm đoàn được cung cấp các bằng chứng, họ sẽ thấy Monsanto đã có hành động vi phạm pháp luật trong suốt 40 năm qua" - bà Moore nêu rõ.
Dù vậy, sau khi kết thúc giai đoạn xét xử đầu tiên, bất chấp tuyên bố của bồi thẩm đoàn kết luận về thuốc diệt cỏ Roundup, Hãng Bayer AG vẫn tự tin trong giai đoạn xét xử thứ hai rằng họ sẽ có đủ chứng cứ khẳng định công ty không phải chịu trách nhiệm về bệnh ung thư của ông Hardeman.
Ông Hardeman rất phấn khởi vì bồi thẩm đoàn nhất trí kết luận rằng Roundup khiến ông ấy mắc chứng u lympho không Hodgkin. Bây giờ, chúng tôi có thể tập trung thu thập bằng chứng cho thấy Monsanto đã không có cách tiếp cận trách nhiệm và khách quan về độ an toàn của Roundup.
Aimee Wagstaff và Jennifer Moore, hai luật sư của ông Hardeman
"Di sản" kiện tụng
Những lùm xùm kiện tụng liên quan tới thuốc diệt cỏ Roundup mà Tập đoàn Bayer AG của Đức phải gánh chịu sau khi thâu tóm Monsanto đã khiến cổ phiếu của Bayer AG mất giá gần 30%, kể từ sau giao dịch mua Monsanto với giá 63 tỉ USD. Cổ phiếu Bayer AG vẫn giảm giá, bất kể việc tập đoàn này luôn lặp lại quan điểm hoạt chất có trong Roundup là an toàn.
Phán quyết sau giai đoạn 1 xét xử của bồi thẩm đoàn ngày 19-3, theo bà Holly Froum - nhà phân tích pháp lý tại Bloomberg Intelligence, cho thấy Bayer "là bên yếu thế trong nhiều vụ kiện thuộc 11.200 vụ kiện khác đang chờ ra tòa trên toàn nước Mỹ".
Theo bà Holly Froum, nếu Bayer không đạt được một thỏa thuận dàn xếp, nhiều vụ kiện liên quan tới thuốc diệt cỏ Roundup có thể sẽ ra tòa. Và theo ước tính của chuyên gia pháp lý này, chi phí để dàn xếp tất cả các vụ việc đó có thể lên tới hơn 5 tỉ USD.
Thuốc diệt cỏ Roundup được cho là tác nhân chính gây ung thư - Ảnh: AFP
Trong khi đó, theo ông Markus Mayer - chuyên gia phân tích tại Baader Bank AG, bất kể việc CEO của Bayer Werner Baumann đã cố gắng khôi phục niềm tin của nhà đầu tư bằng các số liệu tăng trưởng thu nhập tốt hơn kỳ vọng trong quý trước, nhưng nỗ lực đó có thể sẽ bằng 0 trước lo ngại gia tăng của cộng đồng về Roundup và ảnh hưởng tới sức khỏe của hoạt chất glyphosate có trong sản phẩm này.
Tuy nhiên, phía Bayer lại cho rằng phán quyết ngày 19-3 của bồi thẩm đoàn liên bang "không ảnh hưởng gì tới các vụ kiện và các phiên tòa xử trong tương lai, vì mỗi vụ việc đều có những tình huống thực tế và pháp lý khác nhau".
Ông Edward K. Cheng, giáo sư luật ĐH Vanderbilt, cho rằng về mặt pháp lý, phán quyết ngày 19-3 không thể được dùng như một "tiền lệ" cho các vụ kiện khác liên quan tới thuốc diệt cỏ Roundup.
Tuy nhiên, trên thực tế phán quyết ngày 19-3 và phán quyết của tòa hồi năm ngoái, một vụ việc mà trong đó các vị bồi thẩm cũng đã đồng thuận rằng có mối liên hệ giữa Roundup và bệnh ung thư, rõ ràng "có một ý nghĩa nào đó".
Việt Nam từng kiện Monsanto
Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khởi kiện 37 công ty sản xuất hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto. Đến năm 2009, một tòa án quốc tế được thiết lập tại Paris (Pháp) để giải quyết vấn đề liên quan đến chất độc da cam và nạn nhân Việt Nam, nhưng cả Chính phủ Mỹ lẫn Monsanto đều từ chối xuất hiện.
Tới ngày 18-4-2017, Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye, Hà Lan công bố kết luận rằng Công ty Monsanto đã hủy diệt môi trường, gây thiệt hại cho người dân Việt Nam. Tuy nhiên, Monsanto không thừa nhận kết luận phiên tòa.
Ít bán thuốc diệt cỏ Roundup vì giá cao
Ghi nhận tại địa bàn TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) chiều 20-3, rất ít đại lý phân bón - thuốc trừ sâu bán thuốc trừ cỏ Roundup. Theo lý giải của một chủ đại lý ở đường Đồng Khởi (phường 4, TP Sóc Trăng), nguyên nhân do giá bán khá cao.
"Một chai thuốc diệt cỏ bình thường giá chỉ 60.000-75.000 đồng, trong khi Roundup 130.000 đồng/chai nên bà con nông dân chọn mua loại rẻ hơn" - chủ đại lý giải thích.
Theo chủ đại lý này, trước đây bán thuốc diệt cỏ hiệu Roundup khá chạy. Những năm gần đây, nông dân ít sử dụng thuốc diệt cỏ này.
Ông Nguyễn Thành Phước - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng - cho biết ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang rà soát tình hình mua bán, tiêu thụ thuốc diệt cỏ, qua đó sẽ có khuyến cáo nông dân sử dụng những sản phẩm thay thế, không ảnh hưởng sức khỏe và môi trường.
KHẮC TÂM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận