20/12/2017 21:16 GMT+7

Tòa Công lý châu Âu: Uber là công ty vận tải bình thường

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Phán quyết ngày 20-12 của Tòa Công lý châu Âu (ECJ) được xem là một đòn giáng mạnh đến hoạt động của Uber trên khắp châu lục nói chung và EU gồm 28 thành viên nói riêng.

Tòa Công lý châu Âu: Uber là công ty vận tải bình thường - Ảnh 1.

Uber sẽ phải đối mặt với các quy định mới ở mỗi nước sau phán quyết của ECJ - Ảnh: REUTERS

Trong phán quyết của mình, ECJ nhấn mạnh dịch vụ do Uber cung cấp, theo đó kết nối các cá nhân với các tài xế không chuyên, "vốn đã liên quan tới dịch vụ vận tải" và vì thế phải được phân loại là "một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải" trong khuôn khổ luật pháp của EU. 

Do đó, các nước thành viên có thể quy định các điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ này. 

Phán quyết của ECJ được xem là một đòn giáng mạnh đến hoạt động của Uber trên khắp châu lục nói chung và EU gồm 28 thành viên nói riêng, khi chính phủ các nước giờ đây có thể quản lý các dịch vụ như Uber tương tự các công ty vận tải thông thường. 

Quyết định này xuất phát từ sự phàn nàn của một hiệp hội tài xế taxi ở Barcelona, Tây Ban Nha, cho rằng các tài xế Uber phải có giấy phép cũng như cáo buộc hãng này cạnh tranh không công bằng. 

"Đó thực sự là một chiến thắng của xã hội và toàn xã hội sẽ sớm được hưởng trái ngọt từ phán quyết này" - đại diện Hiệp hội taxi Elite Taxi nói với Hãng thông tấn AFP.

Trong phản ứng đầu tiên, Uber cho biết phán quyết trên của ECJ không làm tình hình thực tế thay đổi nhiều. 

Một người phát ngôn của Uber nêu rõ: "Phán quyết trên sẽ không thay đổi những gì đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia EU, nơi chúng tôi đã hoạt động theo luật vận tải. Tuy nhiên, hàng triệu người châu Âu vẫn đang bị ngăn cản sử dụng các ứng dụng như của chúng tôi". 

Uber cũng cho biết sẽ tiếp tục đối thoại với các thành phố trên khắp châu Âu để được triển khai dịch vụ của mình. 

Trước đó, Uber đã lập luận rằng hãng chỉ cung cấp các dịch vụ thông tin, bởi dịch vụ mà hãng cung cấp dựa trên một ứng dụng giúp kết nối tài xế và hành khách. Trên thực tế, dịch vụ thông tin là lĩnh vực được quản lý "dễ thở" hơn nhiều so với lĩnh vực vận tải ở châu Âu. 

Thế giới chống chọi Uber, Uber chống lại thế giới Thế giới chống chọi Uber, Uber chống lại thế giới

TTO - Gọi được 15 tỉ USD tiền mặt, Uber đang tung hoành trên mọi nơi, đẩy giới taxi truyền thống lâm vào cảnh túng quẫn. Nhưng ở chiều ngược lại, cả thế giới taxi và các đối thủ về công nghệ vẫn đang chống lại Uber.

Uber, được thành lập vào năm 2009 tại bang California (Mỹ), là hãng chuyên cung cấp dịch vụ xe đi chung cho khách hàng sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh trực tiếp kết nối với lái xe và được trả một mức giá rẻ hơn so với các hãng taxi truyền thống. 

Kể từ khi đi vào hoạt động, Uber đã mở rộng dịch vụ của mình tới hơn 600 thành phố tại hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới, mang tới nhiều lựa chọn mới cho cả người dùng và người lái. 

Tuy nhiên, hãng cũng đối mặt với nhiều phản đối từ các doanh nghiệp taxi vì cho rằng hình thức này không tuân thủ các quy tắc của taxi truyền thống. 

Mới đây nhất, uy tín của Uber cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi hãng này vướng vào bê bối che giấu vụ đánh cắp thông tin của 57 triệu khách hàng xảy ra hồi cuối năm 2016. 

Theo một nguồn tin nội bộ, Uber đã phải trả cho tin tặc 100.000 USD để xóa bỏ các dữ liệu đánh cắp nói trên, đồng thời tìm cách giấu giếm vụ việc và không đưa ra cảnh báo với những khách hàng của Uber.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên