
Tỉnh ủy Quảng Nam ra nghị quyết thông qua đề án hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng. Trong ảnh là đô thị ở Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG
Ngày 18-4, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII về sắp xếp, sáp nhập tổ chức Đảng, đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh.
Tổ chức lấy ý kiến người dân
Theo đó, quyết nghị thông qua nội dung cơ bản của các dự thảo đề án gồm: đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh, trong đó thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là 88 (bao gồm 12 phường và 76 xã).
Bên cạnh đó là đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
Giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn thiện nội dung dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh, đảm bảo đúng các nguyên tắc, định hướng, tiêu chí và chất lượng.
Tổ chức lấy ý kiến nhân dân và hoàn thành vào ngày 20-4, trình HĐND tỉnh vào ngày 24-4, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 1-5.
Theo phương án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng ban hành kèm với nghị quyết thì căn cứ thực hiện theo nghị quyết 60 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Nghị quyết số 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết định số 759 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền 2 cấp.
Bên cạnh đó là công văn số 03 của Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam thống nhất thông qua phương án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
Cụ thể phương án sắp xếp đơn vị hành chính Quảng Nam và TP Đà Nẵng: Thành lập TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng với tổng diện tích tự nhiên 10.574km2, quy mô dân số khoảng 1,7 triệu người và có 88 xã, phường trực thuộc.
Và TP Đà Nẵng có diện tích tự nhiên khoảng 1.292km2, quy mô dân số khoảng 1,3 triệu người và có 19 phường, xã, đặc khu trực thuộc.
Trung tâm hành chính - chính trị của TP Đà Nẵng (mới) đặt tại TP Đà Nẵng.
Phương án sắp xếp tổ chức bộ máy ra sao?
Về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cụ thể Đoàn đại biểu Quốc hội: sáp nhập nguyên trạng 2 Đoàn đại biểu Quốc hội của 2 địa phương, sau sáp nhập Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng (mới) có 12 đại biểu.
HĐND TP Đà Nẵng và Quảng Nam: về số lượng đại biểu HĐND TP Đà Nẵng (mới), hợp nhất số lượng đại biểu hiện có của 2 địa phương là 98 đại biểu.
Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Đà Nẵng: sáp nhập 12 sở có tên gọi giống nhau và chức năng nhiệm vụ tương đồng, đồng thời giữ nguyên 2 sở khác biệt. Sau hợp nhất, TP Đà Nẵng (mới) có 14 sở.
Đối với các đơn vị đặc thù được Chính phủ thành lập: giữ nguyên 2 ban là Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, tiếp nhập chức năng quản lý các khu công nghiệp từ Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam.
Đổi tên Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam thành Ban Quản lý các khu kinh tế (chuyển chức năng quản lý các khu công nghiệp về cho Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng).
Sáp nhập Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của 2 địa phương gồm 9 đầu mối, trong đó có 1 văn phòng, 8 ban chuyên môn, 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng (mới).
Các đơn vị sự nghiệp công lập của TP Đà Nẵng và Quảng Nam: Trước mắt giữ nguyên tổ chức bộ máy của 5 ban quản lý dự án, gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và hạ tầng đô thị Đà Nẵng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp Đà Nẵng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam.
Về tên gọi đơn vị hành chính cấp xã dự kiến thành lập mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tên gọi theo nguyên tắc: tên huyện, thị xã + số thứ tự.
Theo đó, huyện Núi Thành có 17 đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp còn 7 đơn vị, đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 7.
Huyện Phú Ninh có 10 đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp còn 3 đơn vị, đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 3.
Huyện Tiên Phước có 14 đơn vị hành chính, sắp xếp còn 5 đơn vị, đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 5.
Huyện Bắc Trà My có 13 đơn vị hành chính, sắp xếp còn 5 đơn vị, đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 5.
Huyện Nam Trà My có 10 đơn vị hành chính, sắp xếp còn 5 đơn vị, đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 5.
Huyện Thăng Bình có 20 đơn vị hành chính, sắp xếp còn 7 đơn vị, đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 7.
Huyện Quế Sơn có 19 đơn vị hành chính, sắp xếp còn 6 đơn vị, đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 6.
Huyện Duy Xuyên có 13 đơn vị hành chính, sắp xếp còn 5 đơn vị, đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 5.
Thị xã Điện Bàn có 20 đơn vị hành chính, sắp xếp còn 7 đơn vị, đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 7.
Huyện Đại Lộc có 18 đơn vị hành chính, sắp xếp còn 6 đơn vị, đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 6.
Huyện Nam Giang có 12 đơn vị hành chính, sắp xếp còn 6 đơn vị, đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 6.
Huyện Đông Giang có 11 đơn vị hành chính, sắp xếp còn 4 đơn vị, đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 4.
Huyện Tây Giang có 11 đơn vị hành chính, sắp xếp còn 6 đơn vị, đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 6.
Huyện Hiệp Đức có 10 đơn vị hành chính, sắp xếp còn 3 đơn vị, đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 3.
Huyện Phước Sơn có 12 đơn vị hành chính, sắp xếp còn 5 đơn vị, đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 5.
TP Tam Kỳ có 12 đơn vị hành chính, sắp xếp còn 4 đơn vị, đặt tên gồm: phường Tam Kỳ, phường Tam Kỳ Bắc, phường Tam Kỳ Đông, phường Tam Kỳ Nam.
TP Hội An có 13 đơn vị hành chính, sắp xếp còn 4 đơn vị, gồm: phường Hội An, phường Hội An Đông, phường Hội An Tây và xã Tam Hiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận