28/05/2019 12:41 GMT+7

Nghệ An chỉ đạo xử lý vụ 9 giáo viên từ viên chức 'rớt' hợp đồng

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - Sau khi có kết luận của Thanh tra tỉnh Nghệ An về việc tuyển dụng hàng trăm giáo viên sai quy trình, UBND huyện Thanh Chương không hủy bỏ kết quả mà vận động giáo viên đi học để chuyển ngạch.

Nghệ An chỉ đạo xử lý vụ 9 giáo viên từ viên chức rớt hợp đồng - Ảnh 1.

Các giá o viên bị chuyển từ viên chức xuống hợp đồng - Ảnh: DOÃN HÒA

Liên quan đến vụ việc "9 giáo viên sau 10 năm viên chức bỗng dưng "rớt" xuống hợp đồng", ông Lê Minh Thông - phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - vừa giao trách nhiệm cho UBND huyện Thanh Chương làm việc với 9 giáo viên để thống nhất cách giải quyết.

Trong trường hợp các giáo viên này chấp hành với quyết định tuyển dụng hợp đồng giáo viên theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì xếp lương theo quá trình đóng bảo hiểm xã hội trước đó của từng giáo viên.

Khi có chỉ tiêu biên chế thì ưu tiên tuyển dụng 9 trường hợp này, đồng thời quan tâm bố trí vào vị trí việc làm phù hợp với chuyên môn, năng lực, sở trường công tác đối với giáo viên sau khi được tuyển dụng.

Theo kết quả xác minh của đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT Nghệ An, trong giai đoạn 2006 - 2010, UBND huyện Thanh Chương đã tuyển dụng 124 trường hợp (85 giáo viên, nhân viên và hợp đồng 39 giáo viên), trong đó có 9 giáo viên đã phản ánh.

Tuy nhiên, kết luận của Thanh tra tỉnh Nghệ An vào năm 2014 xác định việc huyện Thanh Chương tuyển dụng 85 người và hợp đồng 39 nhân viên nói trên không thực hiện đúng quy trình tuyển dụng và hợp đồng, tuyển dụng thừa so với số biên chế được giao.

Sau khi có kết luận thanh tra, UBND huyện Thanh Chương không hủy bỏ các quyết định tuyển dụng cũng như chấm dứt với các hợp đồng sai quy định "để đảm bảo ổn định tình hình chính trị trên địa bàn, cũng là để thể hiện tính nhân văn trong xử lý về mặt con người".

Để giải quyết vấn đề dôi dư giáo viên giữa bậc tiểu học, THCS và mầm non, UBND huyện Thanh Chương vận động số giáo viên, nhân viên hợp đồng đã tuyển dụng sai quy định đi đào tạo trung cấp sư phạm mầm non, hỗ trợ kinh phí mở lớp, ưu tiên tuyển dụng vào biên chế ở cấp mầm non.

Đến nay, đã tuyển dụng vào bậc tiểu học và mầm non 89 trường hợp, chuyển sang hợp đồng theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP 29 trường hợp (trong đó có 9 giáo viên nói trên).

Liên quan đến nội dung kiến nghị sau khi học xong trung cấp mầm non, 9 giáo viên này được tiếp nhận là giáo viên mầm non nhưng vẫn phải dạy hợp đồng, hưởng mức lương khởi điểm với hệ số 1,86 dù đã có 10 năm công tác, do UBND huyện Thanh Chương lúng túng nên tự đưa ra mức lương khởi điểm như vậy.

Sở Nội vụ Nghệ An đã hướng dẫn huyện Thanh Chương phải xếp lương theo quá trình công tác có đóng bảo hiểm xã hội trước đó cho 9 giáo viên này.

Như Tuổi Trẻ phản ánh, sau 10 năm được UBND huyện Thanh Chương ra quyết định công nhận là viên chức, 9 trường hợp công tác trong ngành giáo dục tại huyện này buộc phải chuyển sang hợp đồng theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non, quay về hưởng mức hệ số lương khởi điểm 1,86.

Điều đáng nói, trong thời gian nói trên, các trường hợp này đã không được nâng lương, chuyển ngạch và hưởng các chế độ, quyền lợi liên quan dù công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

10 năm công tác, 9 giáo viên, nhân viên từ viên chức xuống... hợp đồng 10 năm công tác, 9 giáo viên, nhân viên từ viên chức xuống... hợp đồng

TTO - Trúng tuyển viên chức và có thời gian công tác ít nhất 10 năm nhưng 9 giáo viên, nhân viên trường học ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) bất ngờ phải chuyển sang hợp đồng theo nghị định 06 của Chính phủ.

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên