14/04/2019 09:17 GMT+7

10 năm công tác, 9 giáo viên, nhân viên từ viên chức xuống... hợp đồng

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - Trúng tuyển viên chức và có thời gian công tác ít nhất 10 năm nhưng 9 giáo viên, nhân viên trường học ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) bất ngờ phải chuyển sang hợp đồng theo nghị định 06 của Chính phủ.

10 năm công tác, 9 giáo viên, nhân viên từ viên chức xuống... hợp đồng - Ảnh 1.

Các giáo viên kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết việc từ một viên chức lại bị chuyển sang hợp đồng lao động - Ảnh: DOÃN HÒA

Theo đơn kiến nghị của 9 giáo viên, nhân viên trường học huyện Thanh Chương gửi các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, sau 10 năm được UBND huyện Thanh Chương quyết định công nhận viên chức, cống hiến cho ngành giáo dục huyện nhà nhưng họ không được nâng lương, hưởng các chế độ ưu đãi, phụ cấp liên quan. 

Thậm chí, đầu tháng 3-2019, những người này bất ngờ nhận quyết định sẽ chuyển sang hợp đồng giáo viên mầm non theo nghị định 06 khiến ai cũng hoang mang và bất bình.

Kêu cứu

Cầm tập hồ sơ đi "kêu cứu", chị Thái Thị Quỳnh (31 tuổi, ngụ xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) nghẹn giọng kể tháng 2-2010, chị trúng tuyển viên chức kế toán trong đợt xét tuyển của UBND huyện Thanh Chương và được công nhận kết quả tuyển dụng do ông Lê Cao Bính - chủ tịch UBND huyện Thanh Chương thời điểm đó - ký.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hoa (31 tuổi) được UBND huyện Thanh Chương ra quyết định công nhận kết quả xét tuyển viên chức, bố trí công tác tại Trường tiểu học Thanh Tường và chị Bùi Thị Hồng Duyên (30 tuổi) được nhận làm kế toán tại Trường mầm non Thanh Thủy.

Những người này đều trải qua thời gian thử việc 12 tháng, 36 tháng và hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng huyện Thanh Chương không làm thủ tục để họ được hưởng quyền lợi như các viên chức khác. Do đó, họ đã không được nâng lương, chuyển ngạch theo quy định từ năm 2010 đến nay.

Đến năm 2016, 9 giáo viên này được huyện Thanh Chương "hứa" đưa vào biên chế sau khi học chuyển đổi các giáo viên, nhân viên bậc tiểu học, THCS dôi dư sang mầm non. 

Tuy nhiên, đầu tháng 3-2019, các giáo viên ngỡ ngàng khi nhận được quyết định hợp đồng giáo viên mầm non theo nghị định 06. Cho rằng cách giải quyết của huyện chưa thỏa đáng, các cô giáo chưa ký hợp đồng lao động này.

"Hằng năm chúng tôi đều hoàn thành nhiệm vụ, dù trúng tuyển viên chức nhưng không được nâng lương mà lại bị chuyển sang hợp đồng giáo viên mầm non với hệ số lương khởi điểm 1.86 sau 10 năm cống hiến cho ngành giáo dục là điều bất công" - chị Quỳnh bức xúc nói.

Tuyển dụng sai quy trình?

Chị Nguyễn Thị Hoa cho hay sau nhiều năm công tác nhưng không được nâng lương, năm 2015 các giáo viên này đã trực tiếp "gõ cửa" Sở Nội vụ Nghệ An thì mới vỡ lẽ rằng do huyện Thanh Chương làm sai quy trình tuyển dụng dẫn đến quyết định là biên chế viên chức nhưng thực chất là hợp đồng. Các giáo viên này phải hưởng chế độ như lao động hợp đồng mà không được nâng lương.

Ngoài ra, ngành chức năng cũng cho rằng do vướng công văn 2378 ngày 8-4-2015 của Văn phòng Chính phủ về việc tạm dừng việc tuyển dụng viên chức chuyên trách làm công tác y tế, tài chính kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập nên 9 trường hợp này không được xem xét tuyển dụng. 

Trong khi đó, cả 9 trường hợp đều được huyện Thanh Chương ra quyết định công nhận viên chức từ năm 2010 trở về trước nên về mặt lý thuyết thì họ không thuộc đối tượng bị ảnh hưởng và áp dụng bởi công văn trên.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Quế - chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - lý giải việc UBND huyện xét tuyển, ra quyết định công nhận viên chức cho các giáo viên năm 2010 là "sai quy trình". Việc này đã được các đoàn thanh tra và có kết luận từ năm 2015. Các cá nhân liên quan đến việc tuyển dụng sai này cũng đã bị kỷ luật.

Theo ông Quế, không chỉ có 9 trường hợp này mà thời điểm đó cả huyện có 114 trường hợp tương tự. Huyện đã vận động các cô giáo đi học chuyển đổi sang mầm non, đến nay đã giải quyết được 105 người, còn 9 trường hợp này là thời điểm đó không đi học nên không sắp xếp, bố trí công việc được.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo rà soát

Ông Thái Thanh Quý - chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - đã giao Sở Nội vụ chủ trì đối thoại, kiểm tra, rà soát kiến nghị của 9 giáo viên, đồng thời rà soát quy trình tuyển dụng biên chế, xếp ngạch, bậc lương giáo viên, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo chung thống nhất trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, tại buổi đối thoại, các sở, ban ngành liên quan đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng 9 giáo viên, đồng thời hứa sẽ kiến nghị để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các giáo viên trong việc nâng, xếp lương trên cơ sở thời gian công tác.

Khi phận Khi phận 'hợp đồng' bị bỏ quên

TTO - Cô Nguyễn Hương Trà (lứa tuổi 7X) và cô Đào Thị Nga (8X) là hai trong số gần 300 giáo viên làm hợp đồng nhiều năm ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên