11/04/2025 10:16 GMT+7

Tỉnh càng nghèo càng phải chuyển đổi số để thoát nghèo

Trước làn sóng chuyển đổi số theo tinh thần nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quảng Trị vẫn vươn mình với quyết tâm cao nhất vì tỉnh này xác định quan điểm tỉnh càng nghèo càng phải chuyển đổi số thì mới hy vọng thoát nghèo.

chuyển đổi số - Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Lân, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị - Ảnh: QUỐC NAM

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Ngọc Lân - giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị - đã đưa ra những chiến lược ngắn hạn và dài hạn để tỉnh này bắt kịp xu thế chuyển đổi số của cả nước.

* Thưa ông, được biết quan điểm nhất quán của Quảng Trị là tỉnh càng nghèo thì càng phải chuyển đổi số nhanh, mạnh để thoát nghèo. Tỉnh đưa ra lộ trình cụ thể như thế nào để thực hiện việc này?

- Ông Trần Ngọc Lân: Sau khi Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU; UBND tỉnh Quảng Trị cũng ban hành kế hoạch số 47/KH-UBND để triển khai nghị quyết 57-NQ/TW.

Trong kế hoạch này, tỉnh Quảng Trị đặt ra đến năm 2030 quy mô kinh tế số phấn đấu đạt 20% GRDP; tỉ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến phấn đấu đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt phấn đấu đạt trên 80% và 80% người dân có tài khoản thanh toán điện tử.

Đến năm 2045, Quảng Trị sẽ phát triển hạ tầng 6G phủ sóng toàn tỉnh, xây dựng Trung tâm dữ liệu quy mô vùng, hoàn thiện hệ thống đô thị thông minh tại TP Đông Hà và các thị xã, phát triển hệ thống giao thông thông minh toàn tỉnh; cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ cao theo yêu cầu; xây dựng hệ thống quản trị thông minh toàn diện, hoàn thiện cơ sở dữ liệu số của tỉnh và kết nối với quốc gia; xây dựng hệ thống an ninh mạng toàn diện, đảm bảo an toàn dữ liệu cho người dân và doanh nghiệp.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, tỉnh tập trung vào các giải pháp như nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về chuyển đổi số.

Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số phù hợp tình hình thực tiễn của tỉnh. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cũng như phát triển nhân lực phục vụ chuyển đổi số.

Tỉnh càng nghèo càng phải chuyển đổi số để thoát nghèo - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy thăm phòng nuôi cấy mô tại Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Ảnh do đơn vị cung cấp

* Với mặt bằng phát triển kinh tế - xã hội khá thấp, Quảng Trị có điểm đặc biệt là hạn chế về hạ tầng, nhất là vùng sâu vùng xa. Tỉnh đã có chính sách gì để giải quyết vấn đề này để thực hiện số hóa toàn diện?

- Ông Trần Ngọc Lân: Nền tảng kinh tế của Quảng Trị đang ở mức khá thấp là một khó khăn với địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, đặc biệt là về hạ tầng. Tuy nhiên, Sở Khoa học và Công nghệ đã xác định và đưa ra các giải pháp để thực hiện một cách có hiệu quả nhất. Dù tỉnh nghèo nhưng đã có chủ trương hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho chuyển đổi số.

Sở sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương cải thiện hạ tầng. Nhất là hạ tầng kỹ thuật ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Sở Khoa học và Công nghệ cũng đang có kế hoạch làm việc với các đơn vị viễn thông để các đơn vị này có giải pháp hỗ trợ trong việc hạ tầng thiết yếu cho các địa bàn miền núi.

Ngoài ra, vấn đề thiết bị số cho người dân cũng đã được sở tính đến. Người dân miền núi còn khó khăn về kinh tế. Việc mua sắm thiết bị thông minh như điện thoại phục vụ cho việc sử dụng số là việc khó nên Sở Khoa học và Công nghệ sẽ có những chương trình kêu gọi hỗ trợ những thiết bị như điện thoại thông minh cho người dân từ cộng đồng, từ doanh nghiệp, từ con em Quảng Trị ở các tỉnh.

Hơn nữa, mới đây Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết 193, đây được coi là "lối mở" cho phát triển khoa học công nghệ.

Gần đây nhất, trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết 57-NQ/TW nên đề nghị Chính phủ dành ít nhất 3% ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ từ năm 2025 và tăng dần lên 2% GDP trong 5 năm tới. 

Mức tăng này sẽ giúp cải thiện đáng kể hạ tầng kỹ thuật để phục vụ chuyển đổi số toàn diện.

chuyển đổi số - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, phó giám đốc đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị, nhận giải thưởng tại lễ trao giải VDA 2023 ở hạng mục Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc - Ảnh do đơn vị cung cấp

* Thưa ông, với chuyển đổi số và đổi mới công nghệ thì ngoài yếu tố công nghệ, con người cũng là một yếu tố then chốt quyết định thành công. Nhưng người dân thì lại khác nhau về nhận thức, trình độ, không phải ai cũng tiếp nhận được sự đổi mới công nghệ. Vậy sở sẽ làm gì để cải thiện năng lực tiếp nhận công nghệ cho người dân ở cơ sở, nhất là vùng núi?

- Ông Trần Ngọc Lân: Trong lộ trình chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, yếu tố công dân số được đặt lên hàng đầu. Để tạo ra được xã hội số, kinh tế số thì mỗi người phải là một công dân số. Trong lộ trình đó, cán bộ của Sở Khoa học và Công nghệ phải là công dân số đầu tiên.

Bước đầu, chúng tôi sẽ cho tập huấn chuyển đổi số và đổi mới công nghệ cho chính cán bộ của sở mình. Chúng tôi đã thành lập phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo, nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo sở về hoạt động quản lý công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Sở cũng thành lập Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - đơn vị sự nghiệp đóng vai trò cánh tay nối dài cho việc quản lý của phòng này.

Trung tâm Chuyển đổi số sẽ trở thành đầu não của cả quá trình. Sau đó, chúng tôi sẽ làm việc với tất cả các sở ngành để xem xét, định hướng nhu cầu thực tế của từng đơn vị.

Mỗi sở, ngành sẽ chọn một phó giám đốc trẻ tuổi làm đầu mối tiếp nhận chuyển giao công nghệ số từ Sở Khoa học và Công nghệ. Sau đó người này sẽ có trách nhiệm chuyển giao lại cho những người khác ở đơn vị mình.

Với các đơn vị cấp cơ sở xã phường, chúng tôi cũng sẽ chọn lựa một người ở mỗi xã phường. Người này sẽ được đưa vào lớp tập huấn chung ở trình độ cơ bản về công nghệ. Sau đó người này cũng sẽ trở thành cánh tay nối dài đào tạo về ứng công nghệ cho những người tại địa phương mình.

Khi tất cả xã hội từ tỉnh về xã, về đến từng hộ dân cùng bắt tay triển khai thì mục tiêu xây dựng xã hội số toàn diện sẽ thành hiện thực.

Tỉnh càng nghèo càng phải chuyển đổi số để thoát nghèo - Ảnh 5.TP.HCM tăng cường hợp tác với Anh về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Bản ghi nhớ được Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM ký kết với Anh ngày 27-3 tạo cơ sở pháp lý cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hai bên tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên