Công nghệ đã thay đổi cục diện chiến tranh - theo hướng tích cực lẫn tiêu cực - Ảnh: NEW ATLAS
Trang tin New Atlas đưa ra 5 câu chuyện gần đây về công nghệ hiện đại đang thay đổi cục diện của chiến tranh ở Ukraine - theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực.
Máy bay không người lái (drone) thương mại
Trong thập kỷ qua, một thị trường drone thương mại trị giá hàng tỉ USD đã xuất hiện. Mọi người đều có thể tiếp cận với loại máy bay này ở mức giá khá rẻ, chỉ vài trăm USD.
Khi Nga bắt đầu khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24-2, "cộng đồng" drone của Ukraine nhanh chóng vào cuộc.
Quân đội Ukraine đăng trên Facebook lời kêu gọi người dân quyên góp drone của họ để hỗ trợ các hoạt động giám sát.
Nhà bán lẻ drone thương mại có tên DJI ở Kiev đã gửi khoảng 300 chiếc cho quân đội. Một bức thư ngỏ gần đây của phó thủ tướng Ukraine kêu gọi Công ty DJI chặn quyền truy cập các sản phẩm đã đăng ký tại Nga.
Bức thư cũng tuyên bố quân đội Nga đang sử dụng một sản phẩm DJI có tên là AeroScope (hệ thống định vị vị trí của drone), để nhắm mục tiêu vào các công dân Ukraine.
Công ty DJI đã phản hồi lá thư của Ukraine, khẳng định họ không có quyền kiểm soát việc sử dụng công nghệ AeroScope và không thể vô hiệu hóa các hệ thống đó.
Airbnb nhân đạo
Khi hàng tỉ người trên thế giới chứng kiến sự tàn phá ở Ukraine, phản ứng tự nhiên của họ là muốn giúp đỡ.
Trong thế giới siêu kết nối ngày nay, những cách thức mới để cung cấp viện trợ trong thời kỳ khủng hoảng liên tục ra đời. Trong vòng vài ngày, người dân trên khắp thế giới bắt đầu đặt phòng Airbnb tại Ukraine. Đây là một cách để gửi tiền cho những người có nhu cầu.
Airbnb là một ứng dụng kết nối trực tuyến giữa người có phòng cho thuê với người cần thuê. Ý tưởng thuê nhà qua Airbnb nhanh chóng lan truyền và chỉ trong vòng 2 ngày, người dân trên khắp thế giới đã đặt tổng cộng hơn 61.000 đêm lưu trú Airbnb tại Ukraine, với tổng trị giá gần 2 triệu USD.
Đến nay, Công ty Airbnb cho biết một khoản quyên góp quốc tế trị giá khoảng 15 triệu USD đã được chuyển đến Ukraine.
"Phóng viên" TikTok
Các phương tiện truyền thông mới luôn thay đổi sâu sắc cách công chúng quan tâm đến chiến tranh.
Vào thập niên 1960, truyền hình đã đưa cuộc chiến tranh Việt Nam vào phòng khách của hàng triệu người Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng xu hướng này đã thúc đẩy phong trào phản chiến ở Mỹ.
Năm 2022, cuộc chiến ở Ukraine đã mở ra một loại hình thông tin mới về chiến tranh thông qua ứng dụng truyền thông xã hội TikTok.
Các bài đăng trên TikTok được đăng tải theo nhiều hình thức. Từ các video kiểu vlog truyền thống của những người trẻ tụ tập trong boongke khi thành phố của họ bị đánh bom, đến các video mô tả vụ nổ trên bầu trời Kyiv ghép các bản nhạc pop.
Deepfake đến cả tổng thống
Trong vài năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo chúng ta về sự nguy hiểm của deepfake - công nghệ này được xây dựng trên nền tảng học máy (machine learning) với mã nguồn mở của Google và có thể hoán đổi khuôn mặt.
Trong cuộc chiến ở Ukraine, đoạn video giả mạo xuất hiện trên một trang tin tức lá cải, quay cảnh Tổng thống Zelensky của Ukraine kêu gọi những người lính của ông hạ vũ khí và đầu hàng người Nga.
Biên tập viên của trang tin tức tiếng Nga có trụ sở tại Ukraine nơi video xuất hiện, khẳng định trang web này đã bị tấn công, nhưng nguồn gốc thực sự của deepfake vẫn chưa được tiết lộ.
Bẫy tình Tinder
Ứng dụng hẹn hò Tinder là một hiện tượng toàn cầu. Chúng hoạt động nhờ khả năng chính xác của điện thoại thông minh trong việc xác định vị trí địa lý của người dùng và kết nối họ với những người dùng khác ở vùng lân cận.
Khi cuộc chiến nổ ra, phụ nữ Ukraine khi bật điện thoại thì họ tự động nhận các lời mời hẹn hò từ những người lính Nga gần đó.
Một nhóm nhà sáng tạo người Slovakia đã khởi xướng phong trào có tên "Chiến dịch tình yêu đặc biệt". Phong trào này nhằm mục đích kết nối những người dùng Tinder bên trong nước Nga và giúp truyền bá tin tức về cuộc chiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận