Chiến sự ở miền đông Ukraine bế tắc
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình ở miền đông nước này đang rất khó khăn, dù khẳng định lực lượng của Kiev vẫn đang tiến lên từng bước.
Ông Zelensky nói rằng Ukraine giành thêm 37km2 lãnh thổ ở phía nam trong tuần qua, thấp hơn so với 900km2 lấy lại được trong vài ngày đầu tiên mở chiến dịch phản công.
"Có một số lượng đáng kể lính Nga ở Ukraine. Có những trở ngại phòng thủ đáng kể. Phản công rất khó. Mọi người đừng bao giờ nghĩ rằng đây là một cuộc dạo chơi dễ dàng", Hãng tin AFP dẫn lời ông Rob Bauer, chủ tịch Ủy ban Quân sự của NATO.
Ukraine cho biết Nga đã triển khai 180.000 quân ở 2 mặt trận chính. Theo lực lượng vũ trang của Kiev, lực lượng của Nga được bố trí rải rác gần các thành phố Lyman đến Kupyansk cũng như xung quanh Bakhmut.
* Ukraine và Đức kêu gọi duy trì thỏa thuận ngũ cốc. Trong cuộc điện đàm ngày 3-7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng cần duy trì thỏa thuận ngũ cốc với Nga để đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ các cảng của Ukraine ở Biển Đen. Trước đó, Nga nói rằng không có nhiều hy vọng kéo dài thỏa thuận này.
Tờ Financial Times cho biết EU đang cân nhắc nhượng bộ với Nga, trong đó cho phép Ngân hàng Nông nghiệp Nga thành lập một công ty con để kết nối lại với mạng lưới tài chính toàn cầu.
* Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO. Ngày 3-7, Tổng thống Tayyip Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục phản đối Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này nếu Stockholm vẫn chứa chấp các nhóm mà Ankara coi là khủng bố.
Trước đó, Thụy Điển cho biết họ đã tìm cách giải quyết các mối quan ngại về an ninh của Ankara, bao gồm cả việc đưa ra luật chống khủng bố mới trong tháng này, nhưng Ankara cho rằng điều này là "vô nghĩa".
Đến nay, còn Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phản đối kết nạp Thụy Điển vào NATO.
Giá dầu giảm bất chấp Nga, Saudi Arabia cắt giảm sản lượng
Sáng 4-7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giảm 1% xuống còn 74,6 USD/thùng, còn giá dầu West Texas Intermediate tại thị trường Mỹ giảm 1,2%, còn 69,7 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu chỉ tăng nhẹ 0,6% sau khi Saudi Arabia và Nga, những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, tuyên bố sẽ cùng cắt giảm sản lượng dầu của cả 2 nước xuống 1,5 triệu thùng/tháng vào tháng sau.
Mức cắt giảm này, tương đương 1,5% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, nhằm vực dậy giá dầu trong bối cảnh lo ngại về kinh tế toàn cầu ngày càng tăng và khả năng Mỹ sẽ tiếp tục nâng lãi suất.
* EU tính chốt thỏa thuận về người di cư trong năm nay. Liên minh châu Âu (EU) hy vọng đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay để đối phó với cách hàng ngàn người di cư đang hướng về châu lục này.
Thỏa thuận tái phân bổ những người di cư đang xin tị nạn hiện gây chia rẽ ở châu Âu. Một số quốc gia như Ý, Hy Lạp hay Tây Ban Nha ủng hộ vì cho rằng họ phải chịu gánh nặng bất công vì là điểm đến chính của người di cư.
Trong khi đó, các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc ở Hungary và Ba Lan phản đối kế hoạch tái phân bổ nêu trên, theo AFP.
* Tuần hành phản đối biểu tình khắp nước Pháp. Ngày 3-7, các thị trưởng ở Pháp tổ chức các cuộc tuần hành để phản đối biểu tình bạo lực gây bất ổn kéo dài nhiều ngày qua.
"Điều này không thể tiếp tục", ông Vincent Jeanbrun, xã trưởng vùng L'Hay-les-Roses ở ngoại ô Paris, nói khi dẫn đầu đoàn tuần hành.
Biểu tình bùng nổ cuối tháng trước sau vụ cảnh sát ở Nanterre bắn chết 1 thiếu niên 17 tuổi vì không tuân thủ lệnh dừng xe sau khi vi phạm giao thông.
Thủ tướng Elisabeth Borne nói sẽ duy trì lực lượng 45.000 cảnh sát trong đêm 4-7 để đảm bảo trật tự.
* Đức tăng chi tiêu quốc phòng cao kỷ lục. Đức dự kiến chi 445,7 tỉ euro, khoảng 485 tỉ USD, cho năm 2024 và sẽ vay thêm khoảng 16,6 tỉ euro để bù đắp thiếu hụt do tăng chi tiêu quốc phòng.
Chính phủ Đức đã cam kết đến năm 2024 sẽ đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng tương đương 2% GDP như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với 51,8 tỉ euro dự kiến dành riêng cho chi tiêu quốc phòng và 19,2 tỉ bổ sung quỹ ngân sách cho các lực lượng vũ trang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận