* Peru đóng điểm du lịch Machu Picchu và lối mòn Inca. Theo Đài BBC, ngày 21-1, Chính phủ Peru ra thông báo đóng thành phố cổ Machu Picchu và lối mòn Inca Trail - tuyến đi bộ đường dài ở Peru kết thúc tại Machu Picchu - vô thời hạn với cả du khách và người dân.
Lệnh cấm khiến hàng trăm người, chủ yếu là người nước ngoài bị mắc kẹt ở địa điểm này.
Peru đã chìm trong biểu tình bạo lực nhiều tuần liền. Các vụ biểu tình khiến ít nhất 58 người thiệt mạng và giao thông bị đình trệ.
Tình trạng hỗn loạn của đất nước cũng khiến Tổng thống Pedro Castillo bị Quốc hội bỏ phiếu phế truất và đang bị tạm giam với cáo buộc nổi dậy và vi hiến.
Hiện nay, người biểu tình yêu cầu Tổng thống mới Dina Boluarte từ chức, nhưng bà từ chối thực hiện yêu cầu này.
Biểu tình ở Thụy Điển có đốt kinh Koran
* Gia tăng căng thẳng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Thụy Điển. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển đã trở nên căng thẳng, sau khi nhà chức trách quốc gia Bắc Âu đã cho phép một cuộc biểu tình phản đối Ankara cũng như nỗ lực tham gia NATO của chính quyền Stockholm được diễn ra ngày 21-1. Đáng chú ý, trong hoạt động biểu tình có cả việc đốt kinh Koran của người Hồi giáo.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích với ngôn từ mạnh nhất có thể đối với hành động đốt kinh Koran. Theo Ankara, hành động chống lại đạo Hồi, nhắm mục tiêu vào người Hồi giáo và xúc phạm các giá trị thiêng liêng, dưới vỏ bọc tự do ngôn luận là không thể chấp nhận được.
* Chánh văn phòng của Tổng thống Biden sắp từ chức. Theo một nguồn tin của Politico, ông Ron Klain - chánh văn phòng đầu tiên và là người phục vụ lâu nhất cho bất kỳ tổng thống Dân chủ nào - sẽ rời nhiệm sở trong vài tuần nữa.
Ông Ron Klain đã đồng hành cùng chính quyền của Tổng thống Biden trong hai năm thăng trầm của chính quyền với các sự việc lớn như rút quân khỏi Afghanistan, lạm phát cao và dai dẳng, Đảng Dân chủ đạt được kết quả tốt hơn mong đợi trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Ông Ron Klain được cho là sẽ ra đi trong vài tuần tới. Ông nổi tiếng là viết nhiều tweet, gửi nhiều email và làm việc đến 16 giờ mỗi ngày.
* Tân bộ trưởng Quốc phòng Đức sẽ sớm đến thăm Ukraine. Nói với báo chí Đức, ông Boris Pistorius, bộ trưởng Quốc phòng mới của Đức, tuyên bố mình có kế hoạch sớm đến thăm Ukraine.
Đức đang đối mặt với áp lực về việc đồng ý đưa xe tăng do Đức sản xuất tới Ukraine. "Điều chắc chắn là tôi sẽ sớm tới Ukraine. Có thể là trong vòng 4 tuần tới", báo Bild am Sonntag ngày 22-1 dẫn lời ông Pistorius.
Bất chấp lời kêu gọi của Ukraine rằng nước này cần xe tăng hiện đại để tăng cường sức mạnh phòng thủ, Đức không ủng hộ việc gửi xe tăng Leopard 2 do nước này sản xuất tới Ukraine cũng như cho phép các quốc gia khác làm như vậy.
Khi được hỏi về vấn đề xe tăng, ông Pistorius cho biết: "Chúng tôi đang đối thoại rất chặt chẽ với các đối tác quốc tế của mình, trước hết là với Mỹ, về vấn đề này".
Các nguồn tin Đức nói với Reuters rằng Đức sẽ cho phép gửi xe tăng do Đức sản xuất tới Ukraine để giúp nước này phòng thủ chống lại Nga nếu Mỹ đồng ý gửi xe tăng của chính họ. Nhưng các quan chức cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden không sẵn sàng gửi xe tăng của riêng mình, bao gồm cả M1 Abrams.
* Người thứ hai đi bộ trên Mặt trăng đám cưới ở tuổi 93. Ông Buzz Aldrin, một trong hai người đầu tiên đi bộ trên Mặt trăng trong chuyến thám hiểm của phi thuyền Apollo 11 hơn 50 năm trước, vừa làm đám cưới ở tuổi 93.
"Nhân sinh nhật 93 tuổi và ngày tôi được trao giải Huyền thoại sống của ngành hàng không, tôi vui mừng thông báo tôi và người tình lâu năm - tiến sĩ Anca Faur - kết hôn. Chúng tôi đánh dấu việc trở thành vợ chồng với buổi lễ riêng tư nhỏ ở Los Angeles và cũng háo hức như mấy bạn trẻ trốn cha mẹ đi làm đám cưới", ông Aldrin viết trên Twitter ngày 20-1.
Đây là lần thứ tư cựu phi hành gia này cưới vợ. Ông từng lập gia đình với các bà Lois Driggs Cannon, Beverly Van Zile và Joan Archer.
Năm 1969, khoảng 600 triệu người trên Trái đất đã chứng kiến ông Aldrin và phi hành gia Neil Armstrong, chỉ huy phi thuyền Apollo 11, trở thành hai người đầu tiên đi bộ trên Mặt trăng.
Bà Faur có bằng tiến sĩ cơ khí hóa học và hiện là phó chủ tịch Công ty Buzz Aldrin Ventures của ông Aldrin.
* Điện Buckingham công bố chi tiết về lễ đăng quang của Vua Charles III. Theo đó, sự kiện sẽ diễn ra trong ba ngày, trong đó lễ đăng quang được tổ chức vào ngày 6-5, tiệc trưa đăng quang và buổi hòa nhạc đăng quang diễn ra vào hôm sau, và đó là một ngày nghỉ lễ toàn quốc.
Cung điện cho biết lễ đăng quang sẽ là "một sự kiện long trọng, một dịp để ăn mừng", do Tổng giám mục Canterbury Justin Welby chủ trì. Lễ đăng quang "phản ánh vai trò của quốc vương ngày nay và hướng tới tương lai nhưng kết nối từ truyền thống lâu đời".
Các chuyên gia cho rằng lễ đăng quang của Vua Charles sẽ khác và nhẹ nhàng hơn so với lễ đăng quang của người mẹ quá cố của ông cách đây 7 thập kỷ.
Buổi lễ sẽ ngắn hơn và một số yếu tố phong kiến của nghi lễ sẽ được sửa đổi. Sự kiện cũng được cho là ít xa hoa hơn so với lễ đăng quang của mẹ ông - phản ánh gánh nặng chi phí sinh hoạt nhiều người Anh đang phải chịu đựng.
Lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth cách đây 70 năm là sự kiện hoàng gia đầu tiên được truyền hình trực tiếp. Sự kiện kéo dài ba giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận