
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS
Nhà Trắng muốn cắt tiền Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
Theo Hãng tin Reuters ngày 15-4, Văn phòng Quản lý và ngân sách Nhà Trắng (OMB) vừa đề xuất loại bỏ kinh phí cho các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Ý định trên được nêu trong tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ đề xuất phân bổ ngân sách năm tài khóa 2026 của Nhà Trắng đối với bộ này. Năm tài khóa 2026 ở Mỹ bắt đầu ngày 1-10-2025 và kết thúc ngày 30-9-2026.
Nhà Trắng lấy dẫn chứng "những thất bại" của các hoạt động gìn giữ hòa bình trong thời gian qua tại Mali, Lebanon và Cộng hòa Dân chủ Congo để giải thích động thái này.
Washington hiện là nước đóng góp nhiều nhất cho Liên hợp quốc nói chung và lực lượng gìn giữ hòa bình nói riêng.
Cụ thể, Mỹ đóng góp 22% ngân sách thường niên các hoạt động chủ chốt của Liên hợp quốc (3,7 tỉ USD) và 27% ngân sách gìn giữ hòa bình (5,6 tỉ USD). Đây đều là những khoản đóng góp bắt buộc đối với thành viên tổ chức này.
Đề xuất trên vẫn chưa phải là đề xuất ngân sách cuối cùng của Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo quy định, bộ này phải phản hồi đề xuất của OMB trong ngày 15-4. Sau đó đề xuất ngân sách sẽ được trình ra Quốc hội Mỹ xem xét và thông qua, dự kiến cuối tháng 4.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, ông đã đề xuất cắt giảm khoảng 1/3 ngân sách ngoại giao và viện trợ. Nhưng Quốc hội Mỹ đã phản đối đề xuất của ông Trump.
Ông Trump gia tăng sức ép lên Đại học Harvard
Ngày 15-4, ông Trump lên mạng xã hội Truth Social khẳng định bản thân đang cân nhắc việc tước quyền được miễn thuế dành cho các cơ sở giáo dục bậc cao của Đại học Harvard.
Động thái này diễn ra sau khi Đại học Harvard tiếp tục không chịu khuất phục trước yêu cầu siết chặt phong trào biểu tình của sinh viên ủng hộ Palestine và chấm dứt các chương trình đa dạng, bình đẳng và bao trùm (DEI) của mình, bất chấp việc vừa bị chính quyền liên bang đóng băng hơn 2 tỉ USD tài trợ.
Trong bài viết trên Truth Social, tổng thống Mỹ cho biết có thể tước trạng thái miễn thuế của Harvard nếu trường này tiếp tục thúc đẩy cái ông gọi là "sự bệnh tật mang tính chính trị, tư tưởng và được truyền cảm hứng/ủng hộ bởi khủng bố".
Bên cạnh đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cũng khẳng định ông Trump muốn Đại học Harvard xin lỗi về những hành vi mà Nhà Trắng cho là "chủ nghĩa bài Do Thái diễn ra trên khuôn viên trường nhắm vào sinh viên người Mỹ gốc Do Thái".
Trong nhiều tuần qua, chính quyền ông Trump liên tục chỉ trích các trường đại học trên toàn quốc về cách xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine và người dân Gaza trong cuộc chiến của Israel tại dải đất này.
Ông Trump ký sắc lệnh điều tra hoạt động nhập khẩu đất hiếm

Mỏ Bayan Obo, nơi chứa 70% trữ lượng đất hiếm đã được phát hiện trên toàn cầu, ở Khu tự trị Nội Mông Cổ, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Ngày 15-4, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp phát động cuộc điều tra về mức độ phụ thuộc của Mỹ vào nguồn khoáng sản thiết yếu đã qua chế biến nhập khẩu.
Sắc lệnh cảnh báo rằng sự phụ thuộc này có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia.
Động thái diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc áp đặt nhiều hạn chế, thậm chí cấm xuất khẩu một số khoáng sản đất hiếm nhằm đáp trả các biện pháp thuế quan của Washington.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã xây dựng một "đế chế" đất hiếm và trở thành nhà cung cấp hàng đầu thế giới. Các nguyên tố đất hiếm ngày càng đóng vai trò thiết yếu vì là nguyên liệu chính trong nhiều linh kiện tinh vi của các thiết bị công nghệ hiện đại, từ dân dụng như xe điện, điện thoại thông minh đến cả các tổ hợp phòng không tối tân.
Thủ tướng Israel thân chinh thị sát Dải Gaza

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - Ảnh: REUTERS
Ngày 15-4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thân chinh thị sát khu vực phía bắc Dải Gaza cùng Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz và những quan chức quân đội hàng đầu.
Thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết ông Netanyahu đã nhận báo cáo an ninh tại khu vực phía bắc Gaza về "nỗ lực giải cứu" các con tin người Israel và đánh bại Phong trào Hồi giáo Hamas.
Cơ quan này dẫn lời thủ tướng Israel trong cuộc họp với các binh sĩ: "Xin khẳng định các con tin phải được trả tự do và chúng ta nhất định phải đạt được tất cả các mục tiêu chiến tranh của mình. Chúng ta làm được điều đó nhờ các binh sĩ anh hùng của chúng ta".
Thông cáo trên không nêu rõ ông Netanyahu đã thăm địa điểm cụ thể nào tại phía bắc Gaza. Chuyến thị sát diễn ra trong bối cảnh quân đội Israel đã kiểm soát được 1/3 dải đất này sau khi chiến sự ở đây bùng nổ trở lại hồi tháng 3.
Hiện Hamas vẫn đang giữ 59 con tin. Gần 200 con tin đã được Hamas trả tự do hoặc được quân đội Israel giải cứu trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến, nay đã bước sang tháng thứ 18.
OpenAI lấn sân mạng xã hội, cạnh tranh với "người cũ" Elon Musk

CEO của OpenAI Sam Altman đang thử nghiệm một mạng xã hội do công ty này phát triển - Ảnh: AFP
Theo trang The Verge ngày 15-4, công ty trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu OpenAI đang thử nghiệm một mạng xã hội mang phong cách tương tự nền tảng X (trước là Twitter) của tỉ phú Elon Musk.
Hiện công ty này đã phát triển được một phiên bản thử nghiệm, tập trung vào công cụ tạo sinh hình ảnh của ChatGPT. Điểm mới là công cụ này sẽ đi kèm các tính năng giao tiếp xã hội mạng.
Giám đốc điều hành (CEO) OpenAI, ông Sam Altman, đã âm thầm nhờ các bên thứ ba đưa ý kiến phản hồi về dự án này, vốn còn ở giai đoạn đầu.
Hiện chưa rõ công ty có dự định phát hành mạng xã hội này dưới dạng một ứng dụng riêng biệt hay tích hợp vào ChatGPT.
Động thái tiềm năng này có thể làm căng thẳng mối quan hệ giữa ông Altman và ông Musk. Cả hai ông đều là đồng sáng lập OpenAI, tuy nhiên ông Musk đã rời công ty này hồi năm 2018.
Cuộc mâu thuẫn đã leo thang trong những tháng gần đây, sau khi ông Altman từ chối để một liên doanh do ông Musk dẫn đầu mua lại OpenAI.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi ông Musk đưa OpenAI ra tòa với cáo buộc họ đã từ bỏ mục tiêu ban đầu là phát triển AI vì lợi ích của nhân loại, thể hiện qua việc chuyển từ mô hình phi lợi nhuận sang có lợi nhuận.
OpenAI đã kiện ngược lại ông Musk vào đầu tháng này, cáo buộc ông có hành vi quấy rối liên tục và cố gắng làm đảo lộn quá trình chuyển đổi của công ty.
Té nước đầu năm

Người dân thủ đô Bangkok (Thái Lan) tham gia Lễ hội té nước Songkran để đón chào năm mới - Ảnh: GUARDIAN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận