Xử phạt hơn 330 vụ vi phạm kinh doanh vàng, phạt 19 tỉ đồng
Trả lời kiến nghị của cử tri liên quan tới việc thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, để kịp thời làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường vàng, Bộ Công Thương cho hay thực hiện các công điện của Thủ tướng quản lý thị trường vàng, bộ đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát, giám sát cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng hàng không, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mua bán, vận chuyển trái phép vàng vào Việt Nam.
Trong đó, bộ yêu cầu Cục Quản lý thị trường các địa phương, nhất là Cục Quản lý thị trường TP.HCM, Hà Nội triển khai kế hoạch kiểm tra chuyên đề mặt hàng vàng, chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép vàng.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 332 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng, xử phạt hành chính trên 9,8 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là 19 tỉ đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về nhãn hàng hóa. Cơ quan chức năng cũng thu giữ và chuyển cơ quan chuyên ngành hàng ngàn sản phẩm vi phạm để xử lý theo quy định, chuyển cơ quan điều tra một vụ việc.
Bộ Công Thương khẳng định tiếp tục tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng để phát hiện, kiểm tra, xử lý, xử nghiêm vi phạm.
Người Việt chi hơn 1 tỉ USD nhập thịt ngoại
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã chi hơn 1 tỉ USD để nhập khẩu các loại thịt và sản phẩm thịt theo số liệu từ Tổng cục Hải quan.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt được thống kê trong 8 tháng là 1,08 tỉ USD. Đây là mức tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2023, lên tới 20,3%. Tuy nhiên, xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam chỉ đạt 105 triệu USD. Do đó, Việt Nam trở thành nước nhập siêu đối với mặt hàng thịt và sản phẩm thịt lên tới 970 triệu USD.
Theo thống kê, các sản phẩm thịt được nhập khẩu gồm thịt heo, thịt trâu bò, gia cầm tươi và đông lạnh; các phụ phẩm của động vật như chân gà, cổ gà, da gà, tim cật, lòng mề…
Thịt và các sản phẩm thịt được nhập khẩu từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Ấn Độ, Nga, Brazil, Đức, Canada, Mỹ, Tây Ban Nha, Ba Lan…
Đáng chú ý, giá nhập khẩu thịt heo hơi mà Việt Nam nhập khẩu từ các nước khá thấp, chỉ ở mức hơn 34.000 đồng/kg khi nhập từ Nga, Brazil, Canada; nhập từ Mỹ là gần 38.500 đồng/kg.
Mức giá trung bình nhập khẩu thịt heo hơi chỉ 52.000 - 55.000 đồng/kg; thấp hơn so với mức giá heo hơi xuất chuồng trong nước là 61.000 - 67.000 đồng/kg và giá bán phổ biến trên thị trường hiện nay là 120.000 - 200.000 đồng/kg.
Thu hồi, tạm giữ hơn 1.500 tỉ đồng, hơn 2 triệu USD, nhiều vàng, sổ đỏ ở các vụ tham nhũng
Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 của Chính phủ cho thấy trong năm các cơ quan điều tra trong lực lượng công an đã thụ lý điều tra 1.347 vụ án/3.565 bị can phạm tội tham nhũng.
Trong đó, kỳ trước chuyển sang 560 vụ án/1.761 bị can; khởi tố mới 722 vụ án/1.571 bị can; số vụ án, bị can trả hồ sơ điều tra bổ sung 25 vụ án/86 bị can; số vụ án, bị can trả hồ sơ điều tra lại 5 vụ án/14 bị can.
Thay đổi tội danh, tách/nhập 17 vụ án/62 bị can; số vụ án, bị can tiếp nhận điều tra 1 vụ án; số vụ án, bị can phục hồi điều tra 17 vụ án/71 bị can.
Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra tạm tính khoảng 4.586 tỉ đồng và 59.899m2 đất.
Thu hồi, kê biên, tạm giữ khoảng 1.535 tỉ đồng và 45.303m2 đất, 2.665.344 USD, 97 miếng kim loại màu vàng, 534 cây vàng SJC, 9 bất động sản, 1.444 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại, 1 xe Mercedes Benz…
Phối hợp yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố tạm dừng giao dịch, chuyển nhượng đối với 88 bất động sản; yêu cầu ngân hàng tạm dừng giao dịch đối với 13 sổ tiết kiệm (tổng giá trị khoảng 1.117 tỉ đồng).
Đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 689 vụ án/2.235 bị can; tạm đình chỉ điều tra 46 vụ án/50 bị can; đình chỉ điều tra 6 vụ án/8 bị can; thay đổi tội danh 7 vụ án/13 bị can.
Chuyển cơ quan điều tra khác 4 vụ án/6 bị can, tách nhập 4 vụ án/1 bị can; Viện kiểm sát nhân dân tối cao miễn truy cứu trách nhiệm hình sự 1 bị can; hiện đang điều tra 591 vụ án/1.251 bị can.
7 tháng xử phạt hơn 41,2 tỉ đồng các vi phạm chứng khoán
Theo báo cáo của Chính phủ, về phòng chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, theo báo cáo, tính từ 1-10-2023 đến 31-7-2024 có 1.307 tổ chức tín dụng đã được cấp phép và công nhận thành lập đang hoạt động.
Số lượng công ty đại chúng được cấp phép và công nhận thành lập đang hoạt động tại kỳ báo cáo là 1.724 công ty.
Số lượng các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán đã được cấp phép và công nhận thành lập gồm 82 công ty chứng khoán, 43 công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, 116 quỹ đầu tư chứng khoán và 15 văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.
7 tháng đầu năm 2024, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã triển khai 8 đoàn thanh tra và 8 đoàn kiểm tra theo kế hoạch, 2 đoàn kiểm tra đột xuất.
Trên cơ sở kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã ban hành 317 quyết định xử phạt với 188 tổ chức và 129 cá nhân với tổng số tiền phạt là 41,29 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận