Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà gia đình chính sách tại Hà Giang
Tối 5-2, tại tỉnh Hà Giang, Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà cho gia đình chính sách huyện Quản Bạ và dự chương trình văn hóa của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Trước đó, nhân dịp đầu xuân Ất Tỵ, trong chương trình công tác tại Hà Giang, chiều 5-2, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác đã đến viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.
Theo báo Hà Giang, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc gần 50 năm trước, tại mặt trận Vị Xuyên, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc với ý chí "một tấc không đi, một ly không rời", quyết tâm giữ vững từng mỏm đồi, vách đá, điểm cao bằng tinh thần quả cảm "sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử", hơn 4.000 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, hơn 9.000 người bị thương.
Hiện Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên là nơi an nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ và một mộ tập thể.
Đủ kinh phí chi trả chế độ cho người nghỉ hưu sớm do sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Chiều 5-2, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã trả lời báo giới về việc rà soát, đánh giá số lượng công chức, viên chức sẽ giảm khi hợp nhất, tinh gọn và sắp xếp bộ máy sau khi đã được Trung ương thống nhất; nguồn hỗ trợ chế độ chính sách cho cán bộ, công chức nghỉ do sắp xếp bộ máy.
Theo ông Vũ Đăng Minh, Chính phủ đã ban hành nghị định 178 quy định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Liên quan đến nguồn kinh phí để chi trả cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc diện sắp xếp, phải nghỉ hưu sớm, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ thông tin, Bộ Nội vụ đang cùng Bộ Tài chính xây dựng thông tư theo quy định tại điều 16, điều 21 của nghị định 178. Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ và đang hoàn thiện để sớm ban hành thông tư này làm cơ sở thực hiện sắp xếp.
Khi dự thảo nghị định 178, Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương và trực tiếp Tổng Bí thư cho ý kiến về các phương án.
Theo đánh giá tác động, nếu thực hiện như phương án của nghị định 178, nguồn kinh phí để chi trả cho những người sẽ nghỉ khi thực hiện sắp xếp thấp hơn kinh phí để chi trả cho họ tiếp tục làm việc trong 5 năm. Như vậy, nguồn chi trả chế độ, chính sách được bảo đảm cân đối đủ, nhưng sẽ có người nhận mức cao, mức thấp.
Ông Vũ Đăng Minh cho hay số tiền chi trả sẽ căn cứ vào mức lương thực tế đang hưởng, số tháng tính tới thời gian nghỉ, thời điểm nghỉ trong khoảng thời gian 12 tháng hay sau 12 tháng. Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, đến thời điểm hiện tại, các tài liệu, hồ sơ trình Quốc hội đã hoàn thiện và đầy đủ, chỉ chờ Quốc hội thông qua để triển khai thực hiện.
Số người rút bảo hiểm xã hội một lần giảm, vì sao?
Theo ông Phạm Trường Giang, vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thống kê trong 6 tháng vừa qua cho thấy số người nhận bảo hiểm xã hội một lần giảm 17.000 người so với tháng 12-2023.
Ông Giang lý giải nguyên nhân xuất phát từ việc Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 nhưng đã "đi vào cuộc sống", với nhiều quyền lợi khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.
Chẳng hạn, người từ 60 - 75 tuổi đã từng đóng bảo hiểm xã hội, ví dụ 5 năm, 10 năm thì có thể trợ cấp từ khi đủ 62 tuổi với mức 500.000 đồng và thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. "Hiện nay, nhiều người đến 59, 60 tuổi mới có 5 năm, 10 năm đóng bảo hiểm xã hội không đủ điều kiện hưởng lương hưu xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần, điều này rất lãng phí", ông nói.
Bên cạnh đó, luật cũng giảm năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 15 năm hay bổ sung các biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, kể cả xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự để tăng niềm tin người tham gia.
Trong khi đó, với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, từ 1-7-2025, họ sẽ được nhận thêm chế độ thai sản, khi sinh con sẽ được nhận 2 triệu đồng/cháu và không cố định, được điều chỉnh trong tương lai. Dự kiến khoảng 108.000 người thụ hưởng, gồm cả nam và nữ, ngân sách dự kiến khoảng 1.300 tỉ đồng cho giai đoạn 2025 - 2030.
Hết năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê số người tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ đạt khoảng 20,1 triệu người, chiếm 42,7% lực lượng lao động. Số đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 17,8 triệu người, bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt hơn 2,3 triệu người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận