Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác nhân sự
Sáng nay 5-2, phiên họp 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc. Phiên họp dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày, từ ngày 5 đến 7-2. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc và cùng các Phó chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Đồng thời cho ý kiến về dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự thảo nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy;
Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi);
Dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua một số nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024; cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Nhà giáo; dự Luật Hóa chất (sửa đổi); xem xét dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022... và cho ý kiến về công tác nhân sự theo thẩm quyền.
Đồng Nai cần tuyển hơn 75.000 lao động trong năm 2025
Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai dự báo trong năm 2025, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng trên 75.000 lao động. Trong đó, lao động phổ thông chiếm phần lớn với trên 54.000 người, còn lại là lao động trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp nghề và công nhân kỹ thuật.
Riêng đầu năm 2025, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai có xu hướng tăng tuyển dụng lao động nhằm phục vụ mở rộng sản xuất, đáp ứng đơn hàng tăng cao của khách hàng. Trong đó, doanh nghiệp ngành may mặc, giày da tuyển số lượng từ 300 lao động trở lên.
Điển hình như Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam tuyển 4.000 lao động gia công giày, Công ty TNHH Elite Long Thành tuyển 1.500 lao động may mặc, Công ty TNHH Công nghệ HKC (Việt Nam) tuyển 500 lao động… Đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang tiếp tục phục hồi, đồng thời là cơ hội để công nhân lao động tìm được việc làm trong năm mới.
Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai sẽ đăng tải thông tin tuyển lao động bằng nhiều kênh, tăng cường kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động.
Sau Tết số ca sởi tại TP.HCM giảm hơn 52%
Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay tính từ ngày 27-1 đến ngày 2-2 (tuần 5), TP ghi nhận 211 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 59,9% so với trung bình 4 tuần trước.
Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2025 đến tuần 5 là 2.317 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao là huyện Cần Giờ, quận 7 và TP Thủ Đức.
Trong tuần 5, TP cũng ghi nhận 85 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 37,5% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2025 đến tuần 5 là 629 ca.
Đáng nói, trong tuần TP chỉ ghi nhận 210 ca sởi, giảm 52,4% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu dịch 2024 đến tuần 5-2025 là 6.023 ca.
HCDC khuyến cáo để phòng bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế. Các bậc phụ huynh hãy đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ 2 mũi sởi theo lịch tiêm chủng để tạo miễn dịch cho trẻ.
Đề xuất đưa vắc xin phế cầu vào chương trình tiêm chủng mở rộng
Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định bệnh do phế cầu thuộc Danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng bắt buộc phải sử dụng vắc xin và lịch tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cụ thể, tiêm lần 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi; Tiêm lần 2 ít nhất 2 tháng sau lần 1; Tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 12 tháng tuổi.
Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 10/2024/TT-BYT, có 11 bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm vắc xin gồm: 1- Bệnh viêm gan virus B; 2- Bệnh lao; 3- Bệnh bạch hầu; 4- Bệnh ho gà; 5- Bệnh uốn ván; 6- Bệnh bại liệt; 7- Bệnh do Haemophilus influenzae týp b; 8- Bệnh sởi; 9- Bệnh viêm não Nhật Bản B; 10- Bệnh rubella; 11- Bệnh tiêu chảy do virus Rota.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận