TP.HCM hợp tác với các nước ứng phó biến đổi khí hậu
Các chương trình này được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phụ trách triển khai với các đơn vị thuộc nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, như phối hợp với thành phố Osaka, Nhật Bản, đối thoại chính sách và triển khai các dự án ICM nhằm phát triển thành phố thải cacbon thấp cấp kỹ thuật.
Phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện dự án TA9608-REG, nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí. Phối hợp với nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới triển khai nhóm kỹ thuật phát thải cacbon thấp trong khuôn khổ nhóm công tác chung TP.HCM - Ngân hàng Thế giới.
Phối hợp với Sở Công Thương và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thực hiện dự án năng lượng phân tán đô thị Việt Nam tại TP.HCM. Phối hợp tham gia làm việc cùng đoàn công tác thẩm định ý tưởng dự án thuộc chương trình cơ sở tài chính cho các thành phố thuộc Tổ chức C40.
Giải ngân vốn FDI tăng trở lại, đạt hơn 10 tỉ USD sau nửa năm 2023
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, 6 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 10,02 tỉ USD, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy sau khi giảm liên tục trong 5 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đã tăng trở lại, tuy mức tăng còn rất nhẹ nhưng cũng là dấu hiệu tích cực.
Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá điều này cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng trong những tháng đầu năm đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Tuy vốn giải ngân tăng nhưng vốn đăng ký vẫn đang trong xu hướng giảm. Số liệu tổng hợp từ cục cho biết tính đến ngày 20-6, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký ước đạt 13,43 tỉ USD, bằng 95,7% (giảm 4,3%) so với cùng kỳ, trong khi 5 tháng đầu năm mức giảm là 7,3%.
Đầu tư ra nước ngoài hơn 320 triệu USD
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 320,6 triệu USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ. Trong đó, có 60 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 147 triệu USD, bằng 48,8% so với cùng kỳ.
Có 16 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đầu tư tăng thêm gần 173,7 triệu USD, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ.
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 13 ngành. Trong đó, bán buôn, bán lẻ dẫn đầu với 18 dự án đầu tư mới và 5 lượt điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 147,8 triệu USD, chiếm gần 46,1% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Ngành thông tin - truyền thông đứng thứ hai với gần 109,3 triệu USD, chiếm 34,1%, tiếp theo là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, tài chính - ngân hàng…
Xét về đối tác, có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023. Dẫn đầu là Canada với 1 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 150,2 triệu USD, chiếm 46,9% tổng vốn đầu tư, tiếp theo lần lượt là Singapore, Lào, Cuba…
Nước về hồ thủy điện miền Bắc tăng
Thông tin từ Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay ngày 27-6, lưu lượng về các hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên giảm nhẹ nhưng khu vực Bắc Trung Bộ tăng nhẹ so với ngày trước đó.
Mực nước hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ tăng nhanh, cao hơn mực nước chết từ 7-20m. Trong khi khu vực Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ tăng nhẹ, khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ so với ngày 26-6, mực nước các hồ nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu theo quy định của quy trình vận hành.
Lưu lượng, mực nước tại các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ tăng, các hồ chứa lớn đang nâng cao mực nước và đang hạn chế huy động phát điện để dự phòng cho đợt nắng nóng tiếp theo.
Không vận chuyển người cùng phương tiện chứa chất dễ cháy
Tại dự thảo nghị định quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng đường bộ và đường thủy nội địa, Bộ Giao thông vận tải đề xuất:
Người tham gia vận chuyển, thủ kho, áp tải hàng hóa nguy hiểm phải đủ điều kiện điều khiển phương tiện và được tập huấn, cấp giấy chứng nhận. Không xếp chung các loại hàng hóa có thể tác động lẫn nhau làm tăng mức độ nguy hiểm trong cùng một phương tiện. Không vận chuyển khí gas, xăng, dầu qua hầm dài trên 100m.
Không được vận chuyển đồng thời người (người tham gia giao thông hoặc hành khách) cùng phương tiện (đã được cấp phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm) đang thực hiện vận chuyển các loại thuốc nổ, khí gas, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ khác trên cùng một chuyến phà…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận