Thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam quy mô hơn 20 tỉ USD
Phát biểu tại hội thảo về tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược vừa được báo Đầu Tư tổ chức, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết thị trường chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh và đạt quy mô trên 20 tỉ USD năm 2022. Theo dự báo của các chuyên gia, con số này sẽ đạt 23,3 tỉ USD vào năm 2025 và 33,8 tỉ USD năm 2030.
Trong đó, ngành dược phẩm có tốc độ gia tăng nhanh nhất, từ mức 3,4 tỉ năm 2015, đến 2022 đạt 7 tỉ USD, năm 2030 đạt khoảng 13 tỉ USD.
Hiện tại Việt Nam có 228 nhà máy sản xuất thuốc, vắc xin, đóng gói thứ cấp, chế biến dược liệu, nhiều nhà máy trong số này đạt tiêu chuẩn GMP-EU, là tiêu chuẩn rất cao của ngành. Vì vậy bà Ngọc cho rằng so với tiềm năng thì sự phát triển kể trên của ngành dược là còn nhiều dư địa, nhằm đưa Việt Nam thành nhà sản xuất thuốc lớn tại khu vực và thế giới.
109 người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm
Chính phủ đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong lĩnh vực thanh tra.
Theo đó, trong thời gian từ 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, báo cáo cho biết các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 34.389 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 780 đơn vị vi phạm.
Các bộ, ngành, địa phương tiến hành 15.177 cuộc kiểm tra việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 865 vụ việc vi phạm, 1.374 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 972 tỉ đồng.
Ngoài ra, bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 122.319 cơ quan, tổ chức, đơn vị, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 934 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 111.430 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng. Trong thời gian này có hơn 1,3 triệu người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. 25.858 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập, 5 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Cũng trong kỳ báo cáo, có 109 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 80 người. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, thanh tra kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 216 vụ việc, 308 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Việt Nam cung cấp gần 1/7 tôm cả thế giới
Theo thông tin từ Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới, với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 656.000ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó diện tích tôm sú 605.000ha, tôm thẻ chân trắng 51.000ha. Sản lượng tôm nước lợ của cả nước đạt 467.000 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,546 tỉ USD, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 35,9% so với kế hoạch năm 2023 (4,3 tỉ USD). Riêng trong tháng 6 xuất khẩu tôm đạt 328,9 triệu USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận