Đơn giản hóa được 765/1.082 thủ tục hành chính
Theo báo cáo thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và quản lý, vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia của Văn phòng Chính phủ, đến nay các bộ, ngành đã đơn giản hóa 765/1.084 thủ tục hành chính được giao tại các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, đạt 71%; có 7/19 bộ, ngành đã thực hiện 100% phương án đơn giản hóa.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc rà soát và đề xuất điều chỉnh, đưa ra lộ trình sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, ngành đã có báo cáo, đề xuất điều chỉnh phương án đơn giản hóa của 317 thủ tục hành chính tại 65 văn bản quy phạm pháp luật và không tiếp tục thực hiện phương án đơn giản hóa đối với 19 thủ tục hành chính.
Đến nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị; công khai toàn bộ 6.287 thủ tục hành chính, trong đó đã tích hợp, cung cấp hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 14,3 triệu tài khoản; hơn 309 triệu hồ sơ đồng bộ, hơn 26,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 12.616 tỉ đồng.
Phó thủ tướng chỉ đạo làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc tại Vĩnh Phúc
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký công điện gửi bộ trưởng Bộ Y tế, chủ tịch UBND tỉnh thành về xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo công điện, ngày 14-5, tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Shinwon Ebenezer Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Khai Quang, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm 350 người mắc, phải nhập viện điều trị.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các giải pháp ngăn ngừa, phòng chống ngộ độc thực phẩm, Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tập trung cứu chữa người bị ngộ độc thực phẩm; kiểm tra, làm rõ nguyên nhân ngộ độc và có biện pháp xử lý theo đúng quy định.
Với Bộ Y tế, Phó thủ tướng yêu cầu bám sát tình hình, chỉ đạo áp dụng các biện pháp phù hợp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm và kịp thời hỗ trợ các địa phương xử lý, khắc phục hậu quả ngộ độc thực phẩm trong trường hợp cần thiết.
Không để xảy ra ngập ở hầm đường bộ tại TP.HCM khi mưa lớn
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản đề nghị các đơn vị đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực các hầm đường bộ trên địa bàn TP.HCM.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) và Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM chỉ đạo các đơn vị nhà thầu thi công, quản lý, bảo trì các công trình hầm đường bộ thuộc địa bàn hoặc do đơn vị làm chủ đầu tư.
Tăng cường công tác tuần tra, vệ sinh, khơi rãnh thu - thoát nước để đảm bảo việc tiêu, thoát nước kịp thời khi có mưa lớn. Trường hợp xảy ra ngập cục bộ thì lập tức bố trí máy móc, thiết bị nhằm tiêu thoát nước.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đề nghị Ban Giao thông và trung tâm xây dựng kịch bản, dự báo khả năng ngập cục bộ tại các vị trí hầm có nguy cơ ngập để có ứng phó, thông báo đến người tham gia giao thông kịp thời trong trường hợp xảy ra ngập.
Giao thông thông minh, buýt điện… là xu hướng?
Sáng 15-5, Trường đại học Việt Đức và Sở Giao thông vận tải TP.HCM tọa đàm về xu hướng giao thông thông minh, cách tiếp cận thúc đẩy giao thông bền vững.
TS Hà Thúc Viên - phó hiệu trưởng Trường đại học Việt Đức - nhận định ở các quốc gia đang phát triển nhưng hạ tầng giao thông công cộng phát triển chưa kịp thì gây khó khăn quá trình phát triển; đồng thời dẫn tới ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường…
"Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM phải sớm tập trung vào các giải pháp công nghệ thông tin và chuyển đổi năng lượng xanh để thúc đẩy các hệ thống giao thông xanh, bền vững và thông minh. Giao thông thông minh, buýt điện… là xu hướng", TS Hà Thúc Viên nói.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Việt Nam cần chuyển đổi phương tiện giao thông. Dự kiến từ nay đến 2030 và sau đó lượng xe điện được bán ra và tiếp tục tăng cao.
Lãi suất cho vay bình quân giảm nhẹ
Theo công bố mới nhất của Agribank, Vietcombank, BIDV, lãi suất cho vay bình quân áp dụng tháng 4 của các ngân hàng này giảm nhẹ so với mức của tháng 3.
Tại Agribank, lãi suất cho vay bình quân tháng 4 là 7,26%/năm, giảm 0,13% so với tháng 3. Mức cho vay ngắn hạn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ… - PV) là 4%/năm.
Lãi suất cho vay thông thường mức tối thiểu kỳ hạn ngắn là 5%/năm, còn trung dài hạn là 6%/năm. Lãi suất huy động bình quân là 4,03%/năm. Agribank là ngân hàng có chênh lệch lãi suất thấp nhất với 1,43%/năm, giảm nhẹ so với tháng liền kề.
Tại BIDV, lãi suất cho vay bình quân tháng 5 là 6,04%/năm, giảm so với mức 6,25% của tháng 4. Chênh lệch lãi suất (cho vay bình quân trừ huy động bình quân) là 3,15%/năm. Chênh lệch lãi suất sau khi trừ đi chi phí liên quan huy động vốn, sử dụng vốn là 1,86%.
Vietcombank công bố lãi suất cho vay bình quân tháng 4 là 6,1%/năm, giảm 0,3% so với tháng 3. Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 3,3%/năm. Chênh lệch lãi suất sau khi trừ các chi phí liên quan hoạt động huy động vốn, sử dụng vốn là 1,6%/năm.
Bệnh viện Việt Đức khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cho trẻ dị tật bẩm sinh
Đây là chương trình thường niên được Bệnh viện Việt Đức tổ chức vào dịp hè, nhằm phẫu thuật miễn phí cho trẻ dưới 16 tuổi gặp các dị tật bẩm sinh, bệnh lý thường gặp ở trẻ em và các di chứng sau phẫu thuật, sau chấn thương.
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hoa, trưởng khoa phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh Bệnh viện Việt Đức, từ nay tới 18-5, các gia đình có nhu cầu có thể đăng ký khám sàng lọc qua số điện thoại của trung tâm chăm sóc khách hàng 19001902, hoặc khoa phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh 098.429.1886.
Các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành sẽ khám sàng lọc vào 18-5 và phẫu thuật vào 20-5, cho trẻ mắc bệnh lý như dị tật tiết niệu - sinh dục; dị tật tiêu hóa (táo bón, giãn ruột, rò hậu môn, hậu môn lạc chỗ); bệnh lý các khối u gan, thận, tụy, nang ống mật chủ, u buồng trứng; dị tật tim mạch và lồng ngực; bệnh lý tai mũi họng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận