TP.HCM đảm bảo bình ổn giá gạo dịp Tết
Ngày 14-12, Sở Công Thương TP.HCM cho biết để chuẩn bị hàng hóa trong hai tháng dịp Tết Giáp Thìn, các doanh nghiệp bình ổn thị trường dành hơn 22.000 tỉ đồng, trong đó hơn 8.500 tỉ đồng cho bình ổn thị trường.
Có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, đang chiếm thị phần cao.
Các mặt hàng bình ổn chiếm thị phần 25 - 43%. Bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản…
Đồng thời, doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)…
Với mặt hàng có diễn biến phức tạp nhất là gạo, Sở Công Thương đã vận động, mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường gạo. Các doanh nghiệp cam kết cung cấp đủ gạo trong mọi tình huống, giá gạo hợp lý, gạo không chất bảo quản, chất lượng an toàn, bảo đảm cân đối cung cầu cho thị trường thành phố.
Sở Công Thương nhận định thị trường gạo trên địa bàn thành phố từ nay đến Tết Nguyên đán duy trì ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu.
Lãi suất tiết kiệm khó giảm thêm
Trong báo cáo triển vọng 2023 vừa công bố, đội ngũ phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết lãi suất tiết kiệm đã giảm sâu về mốc trước dịch COVID-19.
Tuy vậy, trong giai đoạn nền kinh tế trong quá trình phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là mục tiêu được ưu tiên, VCBS dự báo xu hướng thời gian tới.
Đồng thời, việc duy trì mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp đủ lâu là cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay vốn chưa giảm đủ nhiều đối với các hoạt động của nền kinh tế.
Trong khi đó, lãi suất cho vay dự báo giảm nhưng tốc độ chậm và tiếp tục thể hiện sự phân hóa. Thông thường biến động lãi suất cho vay sẽ có độ trễ so với lãi suất huy động.
Do đó theo VCBS, năm 2023 khi lãi suất huy động đã giảm 250-270 điểm, dư địa giảm thêm đối với lãi suất cho vay vẫn còn. Đồng thời, giai đoạn này các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Điểm đáng lưu ý là tỉ suất lợi nhuận có xu hướng giảm, trong khi nợ xấu có xu hướng tăng sẽ khiến các ngân hàng có xu hướng thận trọng về khẩu vị rủi ro đối với các khoản tín dụng. Do đó, sự phân hóa trong mức giảm lãi suất cho vay sẽ vẫn diễn ra.
Cuối năm bụi mịn, bụi lơ lửng, tiếng ồn đều vượt mức cho phép
Kết quả quan trắc chất lượng không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy thành phố đang bị ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn. Trong đó các chỉ số về bụi mịn PM2.5, PM10, bụi lơ lửng, tiếng ồn, NO2 đều vượt mức cho phép. Nguyên nhân là hoạt động giao thông tăng cao.
Đặc biệt, gần 100% mẫu quan trắc về tiếng ồn đều không đạt chuẩn cho phép.
Các bác sĩ khuyến cáo ô nhiễm không khí gây ra các bệnh về đường hô hấp, ho kéo dài... Tiếp xúc với không khí ô nhiễm cũng có nguy cơ gây đột quỵ, nhất là ở nam giới và người trên 65 tuổi.
TP.HCM cấm xe vào đường Nguyễn Huệ nhiều giờ cuối tuần này
Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông báo điều chỉnh giao thông đường Nguyễn Huệ, quận 1 để tổ chức sự kiện Giải thưởng quảng cáo sáng tạo Việt Nam 2023.
Cụ thể, từ 16h đến 22h ngày 17-12, cấm các loại xe đi vào đường Nguyễn Huệ (đoạn từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng).
Lộ trình lưu thông thay thế:
Đối với hướng từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng:
Lộ trình 1: Đường Lê Thánh Tôn - đường Đồng Khởi - đường Tôn Đức Thắng.
Lộ trình 2: Đường Lê Thánh Tôn - đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - đường Hàm Nghi - đường Tôn Đức Thắng.
Đối với hướng từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Lê Thánh Tôn:
Lộ trình 1: Đường Tôn Đức Thắng - đường Hàm Nghi - đường Pasteur - đường Lê Thánh Tôn.
Lộ trình 2: Đường Tôn Đức Thắng - Công trường Mê Linh - đường Hai Bà Trưng - đường Lê Thánh Tôn.
Cầu Long Đại, TP Thủ Đức sắp thông xe
Theo UBND TP Thủ Đức, cầu Long Đại (nối phường Long Bình và phường Long Phước) dự kiến được thông xe vào ngày 16-12.
Hiện nay, đường kết nối lên cầu Long Đại cùng các hạng mục thảm nhựa, chiếu sáng đã hoàn thành. Việc đưa cầu Long Đại vào hoạt động góp phần giúp giao thông kết nối phường Long Bình và phường Long Phước.
Cầu Long Đại được khởi công vào cuối tháng 3-2017, đến năm 2019 phải ngưng thi công vì vướng mặt bằng. Tới đầu năm 2023, dự án được tái khởi động. Toàn dự án có tổng mức đầu tư hơn 353 tỉ đồng từ ngân sách TP.HCM.
Điều chỉnh lộ trình xe buýt số 101 từ hôm nay
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM thông báo điều chỉnh lộ trình tuyến xe buýt có trợ giá số 101 (bến xe buýt Chợ Lớn - chợ Tân Nhật) từ ngày 15-12. Thời gian đi 1 chuyến hết 55 phút, xuất bến lúc 5h, chuyến cuối lúc 18h30.
Điều chỉnh lượt đi: Bến xe buýt Chợ Lớn (bến B) - đường Lê Quang Sung - Phạm Đình Hổ - bến Bãi Sậy - Bình Tiên - Văn Thân - Bà Lài - Phạm Văn Chí - cầu Phạm Văn Chí - Nguyễn Văn Luông - số 26 - An Dương Vương - Phú Định - Hồ Ngọc Lãm - Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1 - Dương Đình Cúc - Thế Lữ - Võ Trần Chí - Kênh 10 - Bệnh viện Nhi đồng thành phố - Trần Hữu Nghiệp (quay đầu) - Bệnh viện Nhi đồng thành phố - Song Hành - Thế Lữ - chợ Tân Nhựt (địa chỉ số E9/203, ấp 6, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh).
Lượt về: Chợ Tân Nhựt - Thế Lữ - Võ Trần Chí - Kênh 10 - Bệnh viện Nhi đồng thành phố - Trần Hữu Nghiệp (quay đầu) - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - Kênh 10 - Song hành - Thế Lữ - Dương Đình Cúc - quốc lộ 1 - Võ Văn Kiệt - Hồ Học Lãm - Phú Định - An Dương Vương - số 26 - Nguyễn Văn Luông - cầu Phạm Văn Chí - Phạm Văn Chí - Bà Lài - Văn Thân - Bình Tiên - Bến Bãi Sậy - Phạm Đình Hổ - Hồng Bàng - Nguyễn Trãi - Xóm Vôi - bến xe buýt Chợ Lớn (bến B).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận