Bưu điện Việt Nam bán dịch vụ viễn thông
Từ nay, người dùng có thể sử dụng các dịch vụ viễn thông của nhà mạng VinaPhone tại hơn 13.000 điểm phục vụ trên toàn quốc của hệ thống Bưu điện Việt Nam.
Theo đó, các bưu cục, bưu điện - văn hóa xã sẽ giới thiệu, tư vấn các sản phẩm, dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin do VNPT cung cấp như: phát triển mới dịch vụ trả trước, trả sau, bán gói cước trả trước, trả sau cho khách hàng hiện hữu; bán các sản phẩm SIM, thẻ cào, topup nạp thẻ của VinaPhone; phát triển mới dịch vụ Internet cáp quang, dịch vụ MyTV, dịch vụ chữ ký số cá nhân Smart CA; cài đặt phát triển mới ví VNPT Money; thu cước viễn thông các khách hàng sử dụng dịch vụ của VNPT…
Ông Nguyễn Thế Anh, giám đốc trung tâm kinh doanh phân phối VinaPhone, cho biết: "Với mạng lưới rộng khắp, nhân lực dồi dào, Bưu điện Việt Nam trở thành nhà phân phối có mạng lưới lớn nhất của VinaPhone trong việc hỗ trợ nhà mạng phát triển mới các dịch vụ di động, băng rộng, MyTV, triển khai bán hàng các dịch vụ công nghệ thông tin đóng gói trên phạm vi toàn quốc".
Bác sĩ Việt Nam được bổ nhiệm làm giáo sư đại học Đức
Tại hội thảo về bệnh truyền nhiễm mới nổi vừa tổ chức tại Hà Nội, GS.TS.Kremsner, viện trưởng Viện Y học nhiệt đới Tuebingen (CHLB Đức) đã đại diện trao quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư của Đại học Tuebingen, Đức cho PGS.TS.Lê Hữu Song, giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Quyết định này có hiệu lực 6 năm, bắt đầu từ tháng 1-2024 đến hết năm 2029.
Ông Lê Hữu Song là giám đốc Bệnh viện 108 từ tháng 10-2023. Ông tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1994, từng là nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đức.
Bkav muốn đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Tập đoàn công nghệ Bkav cho biết đang thực hiện từng bước nhằm đưa sản phẩm bảo mật Bkav Pro 2024 vừa ra mắt kinh doanh trên thị trường toàn cầu.
Ngày 12-12, Bkav công bố ra mắt phần mềm Bkav Pro 2024 tích hợp hệ thống My Bkav đã được nâng cấp trí tuệ nhân tạo (AI), tối ưu khả năng bắt virus. Đồng thời thúc đẩy chiến lược quốc tế hóa sản phẩm này.
Để thực hiện chiến lược này, Bkav cho biết đã tham gia kiểm định chất lượng phần mềm diệt virus với AV Test, một tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kiểm định phần mềm diệt virus.
AV Test sẽ đánh giá các phần mềm diệt virus dựa trên khả năng phát hiện virus, khả năng loại bỏ virus, hiệu suất và tính dễ sử dụng. Các bài kiểm tra được thực hiện theo thời gian thực, liên tục trong 2 tháng.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu mã độc của Bkav, cho biết: "Để mở rộng thị trường toàn cầu, chứng chỉ quốc tế cho sản phẩm là điều kiện cần thiết. Chúng tôi lựa chọn AV Test vì đây hiện là bài kiểm định tốt nhất thế giới".
Khoảng 13.900 vụ tấn công mạng tại Việt Nam trong năm 2023
Báo cáo tổng kết an ninh mạng Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024 của Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) công bố ngày 12-12 cho biết năm 2023, khoảng 13.900 vụ tấn công an ninh mạng vào các hệ thống tại Việt Nam đã diễn ra, tăng 9,5% so với năm trước.
Hơn 550 trang thông tin (website) của các cơ quan, tổ chức Chính phủ và giáo dục có tên miền ".gov.vn", ".edu.vn" bị xâm nhập, chèn mã quảng cáo cờ bạc, cá độ. Hơn 83.000 máy tính, máy chủ bị mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền tấn công, tăng 8,4% so với năm 2022.
Tính trung bình mỗi tháng xảy ra 1.160 vụ tấn công mạng. Cơ quan chính phủ, hệ thống ngân hàng, tổ chức tài chính, hệ thống công nghiệp và các hệ thống trọng yếu khác là các mục tiêu chịu nhiều tấn công nhất trong năm qua.
Đặc biệt, sự gia tăng tấn công vào những tháng cuối năm do đây là thời điểm các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có nhiều dự án cần hoàn thành, nhân sự thường phải hoạt động trên 100% năng suất nên khả năng xảy ra nhiều sai sót, tạo cơ hội để tin tặc tấn công, phá hoại.
Trong top 3 điểm yếu bị tấn công nhiều nhất tại Việt Nam năm 2023, tấn công vào con người chiếm 32,6% tổng số vụ việc. Tin tặc (hacker) sử dụng thư điện tử email giả mạo (phishing) có tập (file) đính kèm mã độc dưới dạng văn bản hoặc nội dung có đường dẫn link đăng nhập giả mạo để chiếm tài khoản, kiểm soát máy tính người dùng từ xa.
Thứ hai là tấn công vào lỗ hổng của các nền tảng, dịch vụ phần mềm cài đặt trên máy chủ chiếm 27,4%. 25,3% số vụ còn lại là tấn công vào lỗ hổng của website do tổ chức tự phát triển.
Không chỉ thu thập, sửa đổi và đánh cắp dữ liệu, hacker còn công khai chèn các đường dẫn ẩn (backlink) quảng cáo nội dung vi phạm pháp luật như cờ bạc, cá độ lên website chính thống.
Theo thống kê, có tới 342 trang web giáo dục có tên miền .edu.vn và 212 trang web của cơ quan Chính phủ có tên miền ".gov.vn" đã bị tấn công theo kiểu này. Đặc biệt, nhiều website bị tấn công nhiều lần mà chưa khắc phục triệt để.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận