Thường vụ Quốc hội giám sát sách giáo khoa, chất vấn 2 bộ trưởng
Hôm nay 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 25. Phiên họp sẽ diễn ra trong 2 đợt: đợt 1 từ 14 đến 18-8 và đợt 2 từ 24 đến 26-8.
Trong buổi chiều đầu tiên của phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Đây là một trong hai chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023, ngoài hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội.
Ngày 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành cả ngày để tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Ngoài ra, tại phiên họp sẽ cho ý kiến một số dự án luật như Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)…
Đề xuất kéo dài gói hỗ trợ người lao động bị giãn việc, giảm việc
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết cơ quan này đã có tờ trình về việc tiếp tục hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.
Dự kiến có khoảng 50.000 người bị giảm việc, ngừng việc, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người; khoảng 40.000 người bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, mức hỗ trợ 2 triệu đồng người; khoảng 5.000 người bị chấm dứt hợp đồng, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người.
Hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất hết ngày 31-1-2024. Chậm nhất ngày 31-3-2024, đơn vị chức năng sẽ hoàn thành hỗ trợ. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 145 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 16-1, Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ra nghị quyết 06 dành nguồn lực hỗ trợ tiền mặt cho đoàn viên, người lao động tại đơn vị có đóng công đoàn phí trước ngày 30-9-2022.
Đến nay, số hồ sơ duyệt hỗ trợ là trên 81.000, chiếm trên 94% số tiếp nhận. Tổng số đoàn viên được hỗ trợ hơn 80.000 người. Tổng tiền hỗ trợ trên 114 tỉ đồng.
Chính thức trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định mới
Từ hôm nay 14-8, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được chi trả theo quy định mới.
Cụ thể, người đã điều chỉnh theo nghị định số 108/2021 của Chính phủ được tăng 12,5% so với mức cũ, tức mức hưởng mới bằng lương, trợ cấp cũ x 1,125. Trường hợp chưa tăng theo nghị định số 108/2021 của Chính phủ thì tăng 20,8%, tức mức hưởng mới bằng lương, trợ cấp cũ x 1,208.
Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trước ngày 1-1-1995 tại nghị định 42/2023 sau khi tăng lương mà mức hưởng thấp hơn 3 triệu đồng/tháng thì tăng thêm từ 300.000 - 3 triệu đồng…
Ngành bảo hiểm xã hội và bưu điện sẽ chi trả đầy đủ phần chênh lệch tăng thêm chưa lĩnh của tháng 7-2023 cho người thụ hưởng.
Dư nợ bất động sản hơn 970.000 tỉ đồng
Trong thông báo vừa gửi tới Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản tính đến ngày 30-6-2023 đạt 947.890 tỉ đồng. Bên cạnh đó, dư nợ bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khoảng 26.573 tỉ đồng.
Trong hoạt động cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản, hệ thống ngân hàng cho vay đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở 245.814 tỉ đồng; cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản khác 297.702 tỉ đồng; cho vay để xây dựng, sửa chữa nhà ở để bán, cho thuê 132.245 tỉ đồng. Đây là 3 nhóm vay chiếm tỉ trọng lớn trong hoạt động vay đầu tư kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, nợ vay mua quyền sử dụng đất 6 tháng khoảng 62.900 tỉ đồng; vay đầu tư nhà hàng, khách sạn 64.400 tỉ đồng; vay đầu tư khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng 51.000 tỉ đồng; vay đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất 55.400 tỉ đồng; và vay để đầu tư văn phòng cho thuê 38.200 tỉ đồng.
Điều chỉnh dự án BOT sân bay Phan Thiết theo hướng nào?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa lấy ý kiến các thành viên hội đồng thẩm định liên ngành về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư sân bay Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức đầu tư BOT.
Sân bay Phan Thiết có tổng vốn đầu tư ban đầu hạng mục dân dụng khoảng 1.693 tỉ đồng, sau đó được nâng vốn đầu tư lên 4.800 tỉ đồng. Đến nay hạng mục quân sự của sân bay Phan Thiết cơ bản hoàn thành nhưng hạng mục dân dụng chưa thể khởi công xây dựng do nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện, vì thế tỉnh Bình Thuận buộc phải chọn nhà đầu tư mới để thay thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận