Cô bé người Mỹ 8 tuổi ở Schwenksville, bang Pennsylvania được tiêm tăng cường ngày 19-5 - Ảnh: REUTERS
* Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 75 tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 22-5, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh đến tình trạng giảm xét nghiệm và giải trình tự gene, cho rằng điều này chứng tỏ thế giới đang phớt lờ sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2. Ông lưu ý rằng gần 1 tỉ người tại các quốc gia thu nhập thấp chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Ông nhắc rằng đại dịch sẽ không kết thúc trên toàn cầu cho đến khi mọi nơi trên thế giới không còn ca mắc. Ông nêu rõ số ca mắc COVID-19 đang gia tăng tại gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong bối cảnh tỷ lệ xét nghiệm đã giảm mạnh.
Trong một báo cáo hằng tuần về diễn biến dịch COVID-19 toàn cầu công bố ngày 19-5, WHO cho biết số ca mắc mới COVID-19 trên thế giới dường như đã ổn định sau nhiều tuần giảm kể từ cuối tháng 3 vừa qua, trong khi tổng số ca tử vong hằng tuần giảm.
* Kết quả khảo sát mới đây của tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết hơn 50% số doanh nghiệp nhỏ tham gia cuộc khảo sát tỏ ra mất lòng tin vào nền kinh tế Mỹ.
Theo kết quả khảo sát đối với hơn 600 doanh nghiệp nhỏ của Mỹ cho thấy 57% doanh nghiệp nhỏ lo ngại kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục xấu đi trong năm 2023, tăng so với mức 42% của tháng 4. Kết quả này cho thấy số doanh nghiệp lạc quan về triển vọng nền kinh tế bằng với mức thấp kỷ lục ghi nhận hồi tháng 4-2020. Cho dù giá cả tăng, nhưng số doanh nghiệp dự kiến doanh thu tăng trong năm tới giảm xuống còn 61%, thấp hơn so với mức 79% hồi tháng 5/2020.
Lo ngại của các doanh nghiệp nhỏ về kinh tế Mỹ chủ yếu do sự gia tăng lạm phát, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động và lãi suất tăng.
* "Cái gọi là Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ về bản chất là một chiến lược gây chia rẽ, kích động đối đầu và phá hoại hòa bình. Dù nó được gói ghém hay ngụy tạo thế nào, cuối cùng chắc chắn nó sẽ thất bại", Tân Hoa xã dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Tuyên bố đưa ra ngày 22-5 trong bối cảnh ông Biden đến Tokyo trong chuyến công du 2 nước Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông dự kiến cùng Thủ tướng Nhật Kishida Fumio và các lãnh đạo trong nhóm Bộ tứ Kim cương (QUAD), gồm thêm Úc và Ấn Độ, dự cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp lần hai.
Tuy nhiên, ông Vương cho rằng Mỹ đang hướng tới mục tiêu "hình thành các nhóm nhỏ nhân danh tự do và cởi mở", đồng thời muốn "kiềm chế Trung Quốc".
"Điều đặc biệt nguy hiểm là Mỹ chơi 'quân bài Đài Loan' và 'quân bài Biển Đông' gây hỗn loạn tại khu vực", ông Vương chỉ trích.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Nhật Bản ngày 22-5 - Ảnh: REUTERS
* Ngày 23-5, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nước này ghi nhận thêm 167.650 ca sốt và 1 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Trong tổng số 2,81 triệu ca sốt, số ca tử vong tại nước này là 68, chiếm tỉ lệ rất thấp, vào khoảng 0,002%. Bình Nhưỡng thông báo ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 12-5.
* Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky tuyên bố Matxcơva sẵn sàng nối lại tiến trình đàm phán nhưng phải có sự nhất trí từ phía Ukraine.
"Về phần mình, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đối thoại", ông Medinsky trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Belarusian TV. Nhà đàm phán Nga cho rằng đàm phán đình trệ là do phía Ukraine và việc trở lại cũng là quyết định của phía Kiev. "Nga chưa bao giờ khước từ những cuộc đàm phán", ông Medinsky nói.
Trước đó, Hãng thông tấn Ukrinform của Ukraine dẫn phát biểu của Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky khẳng định Kiev sẵn sàng nối lại tiến trình đàm phán giải quyết xung đột với Matxcơva sau khi các lực lượng của Nga quay trở lại vị trí như trước ngày 24-2 - thời điểm Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Trong tuyên bố, Tổng thống Zelensky cho rằng các lực lượng của Nga cần rút về các đường ranh giới hoặc giới tuyến tạm thời. Có như vậy, hai bên mới “có thể bắt đầu những cuộc đàm phán đầy đủ”. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh “không phải tất cả những cây cầu” dành cho hòa đàm với Nga đã bị phá hủy.
Lực lượng Nga gỡ mìn tại khu vực nhà máy thép Azovstal ở thành phó Mariupol, Ukraine, ngày 22-5 - Ảnh: REUTERS
Chứng khoán thế giới tương đối ổn định trong ngày đầu tuần dù vẫn còn các lo ngại về tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo Hãng tin Bloomberg, thị trường hầu như không thay đổi ở Nhật Bản trong khi giảm ở Úc và Hong Kong. Chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm ở tuần thứ 7 liên tiếp dù chưa rơi vào tình trạng suy giảm.
Giá dầu West Texas Intermediate tại Mỹ biến động không đáng kể, giảm 0,1% xuống mức 110 USD/thùng. Giá vàng đang ở mức 1.844,55 USD/ounce.
* Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nói nước này có thể đảm bảo với Ankara rằng Helsinki sẽ không chứa chấp các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - vốn bị cả Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách "những phần tử khủng bố".
"Những đảm bảo như vậy chắc chắn có thể được đưa ra với Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi vì PKK là một tổ chức nằm trong danh sách khủng bố ở châu Âu, nên điều quan trọng là chúng ta phải làm hết sức để không cho phép bất kỳ hoạt động khủng bố nào diễn ra trên lãnh thổ Phần Lan", ông Haavisto phát biểu trên đài phát thanh quốc gia Yle ngày 22-5.
Ngoại trưởng Phần Lan cũng tin rằng chỉ mất vài tuần để Phần Lan có thể gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trước đó, ông Haavisto cho biết sắp đạt được đột phá trong các cuộc đàm phán gia nhập NATO trong vài ngày tới, theo Hãng tin Sputnik.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cũng đã có cuộc điện đàm "cởi mở và thẳng thắn" với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 21-5. Trước đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt câu hỏi liệu Phần Lan và Thụy Điển có nên được phép tham gia liên minh quân sự hay không.
"Tôi đã tuyên bố rằng với tư cách là các đồng minh NATO, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cam kết đảm bảo an ninh của nhau và mối quan hệ của chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Phần Lan lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó. Đối thoại chặt chẽ sẽ tiếp diễn", Tổng thống Niinisto viết trên Twitter sau cuộc điện đàm.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, cho rằng 2 nước này chứa chấp các đối tượng "khủng bố".
Chiếc máy bay quân sự C-17 Globemaster của Mỹ chở sữa công thức trẻ em chuẩn bị cất cánh tại Đức ngày 22-5 - Ảnh: REUTERS
* Chuyến bay quân sự chở chuyến hàng sữa công thức dành cho trẻ em từ châu Âu đã hạ cánh xuống Mỹ để "chữa cháy" tình trạng thiếu hụt sữa tại nước này. Nhà Trắng cho biết chuyến hàng thứ 2 sẽ đến trong vài ngày tới.
"Đây là một bước quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc theo chỉ đạo của tổng thống nhằm tìm kiếm mọi cơ hội để tăng nguồn cung", Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack.
Trước đó, việc nhà sản xuất sữa hàng đầu Abbott của Mỹ phải thu hồi sản phẩm vào ngày 17-2 và đóng cửa nhà máy ở Michigan đã gây ra cuộc khủng hoảng sữa lớn nhất trong lịch sử gần đây tại Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận