15/09/2022 06:30 GMT+7

Tin sáng 15-9: Nhiều trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn; Gần 388 triệu USD nhập rau quả Trung Quốc

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Hôm nay nhiều trường đại học công bố điểm chuẩn; Nhập khẩu rau quả tăng gần 29%, đặc biệt nhập từ Trung Quốc tăng 64%; TP.HCM chi 14 tỉ tổ chức Hội hoa xuân 2023; 13.220 tỉ chi hỗ trợ người dân trong đại dịch... là các tin đáng chú ý sáng nay.

Tin sáng 15-9: Nhiều trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn; Gần 388 triệu USD nhập rau quả Trung Quốc - Ảnh 1.

Người dân tham quan Hội hoa xuân Tết Nhâm Dần 2022 - Ảnh: LÊ PHAN

TP.HCM dự kiến tổ chức Hội hoa xuân 2023, kinh phí 14 tỉ đồng

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản gửi lãnh đạo UBND TP.HCM về kế hoạch tổ chức Hội hoa xuân 2023 (Tết Quý Mão). Theo đó, Sở Xây dựng đề xuất tổ chức Hội hoa xuân trong 12 ngày, kéo dài từ ngày 25 tháng chạp đến mùng 6 tháng giêng. Dự kiến kinh phí tổ chức khoảng 14 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, trong 2 năm 2021, 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên Hội hoa xuân đã giảm về quy mô, số hiện vật, cây kiểng, kỳ hoa dị thảo tham gia trưng bày. Trong năm 2021 Hội hoa xuân chỉ đón khách từ 8h đến 17h hằng ngày. Năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử Hội hoa xuân không có phần thi đánh giá các hiện vật cũng như không bán vé vào cổng.

Hội hoa xuân năm nay với chủ đề dự kiến TP.HCM - Xuân An vui - Xuân Thịnh vượng sẽ thu hút khoảng 2.500 hiện vật trưng bày tại 7 khu vực. Ngoài ra, các dịch vụ phục vụ người dân cũng được tăng cường kèm theo nhiều hoạt động nổi bật khác. Hội hoa xuân năm 2023 là lần thứ 43 TP.HCM tổ chức.

Nhập khẩu trái cây từ Trung Quốc tăng mạnh

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2022, ước tính Việt Nam đã chi hơn 1,2 tỉ USD để nhập rau quả các loại, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu rau quả lại giảm 14,6%, giá trị kim ngạch còn 2,15 tỉ USD. 

Đáng chú ý, giá trị nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc tăng đến 64% trong 7 tháng đầu năm với gần 388 triệu USD. Các thị trường quen thuộc cũng có mức tăng trưởng cao như Úc tăng 28%, Nam Phi tăng 27%, Hàn Quốc tăng 50%...

Tin sáng 15-9: Nhiều trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn; Gần 388 triệu USD nhập rau quả Trung Quốc - Ảnh 2.

Trái cây nhập khẩu bày bán tại TP.HCM - Ảnh: N.TRÍ

Theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ngoài thuận lợi về vị trí địa lý, giá bán cạnh tranh, trái cây Trung Quốc đang được xuất sang Việt Nam nhiều nhờ sản lượng trồng trọt ngày càng tăng. Trong khi đó, thời gian qua trái cây Việt Nam vẫn còn gặp khó khi xuất qua Trung Quốc vì chính sách "Zero COVID" của nước này.

Theo ghi nhận, các loại trái cây nhập khẩu từ Úc, New Zealand... chủ yếu là táo, cam, nho, lê, đang được các siêu thị bán ra với giá khá tốt như táo các loại phổ biến 45.000 - 90.000 đồng/kg, cam 60.000 - 85.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các chợ đầu mối ở TP.HCM, nhiều mặt hàng trái cây Trung Quốc giá còn rẻ hơn, như táo và lê có giá trung bình 35.000 đồng/kg, nho 40.000 - 70.000 đồng/kg tùy loại...

Đã chi 13.220 tỉ đồng tiền mặt hỗ trợ người dân trong đại dịch

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo gửi Chính phủ về thực hiện nghị quyết số 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với tổng số tiền mặt được hỗ trợ từ ngân sách đến nay là 13.220,5 tỉ đồng cho hơn 13,2 triệu người.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã cho 245 người sử dụng lao động vay 41,82 tỉ đồng để trả lương ngừng việc; giải quyết cho 1.846 doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, với tổng số tiền tạm dừng đóng là 786 tỉ đồng.

Cơ quan này đánh giá đây là chính sách đúng đắn, kịp thời nhằm hỗ trợ người dân trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, bên cạnh không tạo ra áp lực lớn cho ngân sách do áp dụng phương thức hỗ trợ theo tháng. Việc hỗ trợ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để bị lợi dụng, trục lợi, dù đây là chính sách hỗ trợ chưa có tiền lệ ở Việt Nam.

Tuy vậy, theo đánh giá của bộ này thì kết quả hỗ trợ chưa cao và toàn diện do đây chỉ là giải pháp cấp bách trước mắt, trong khi một số nhóm gặp khó khăn, có nhu cầu hỗ trợ nhưng lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Kết quả thực hiện cũng không đồng đều giữa các chính sách hỗ trợ và các địa phương. Cá biệt có một số ít hiện tượng lợi dụng chính sách, lập danh sách trùng và danh sách hộ nghèo, cận nghèo không đúng đối tượng… Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cần đánh giá toàn diện các đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch để có chính sách hỗ trợ mới phù hợp hơn.

Tin sáng 15-9: Nhiều trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn; Gần 388 triệu USD nhập rau quả Trung Quốc - Ảnh 3.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Hôm nay 15-9, hàng loạt trường đại học công bố điểm chuẩn năm 2022

Hôm nay 15-9, nhiều trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và kết quả xét tuyển chính thức tất cả các phương thức.

Các trường dự kiến công bố trong ngày hôm nay bao gồm: Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM,

Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), Trường ĐH Gia Định, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam, Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải; Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Xây dựng.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM… cũng sẽ họp hội đồng tuyển sinh và công bố kết quả xét tuyển sau đó.

Theo lịch tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 14h hôm nay 15-9, các trường tải về kết quả xử lý nguyện vọng lần 6 từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau đó nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống, rà soát và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 năm 2022 và phải hoàn tất việc này trước 17h ngày 17-9.

Đề xuất xây dựng Luật khoáng sản do còn nhiều ‘khoảng trống pháp lý’

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật khoáng sản (sửa đổi), sau 10 năm thực hiện đã phát sinh những bất cập, khoảng trống pháp lý cần phải được chỉnh sửa, bổ sung.

Đơn cử như phạm vi điều chỉnh của luật chưa đầy đủ, bao quát được phạm vi, đối tượng quản lý nên việc xây dựng chính sách thiếu tính đồng bộ. Quy định khai thác khoáng sản còn bất cập dẫn tới cách hiểu khác nhau, vướng mắc khi áp dụng.

Hoạt động kinh doanh khoáng sản chưa được điều chỉnh trong luật tạo ra khoảng trống pháp lý, nên hoạt động chế biến, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng khoáng sản, quản lý khó khăn, hạn chế…

Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, sửa đổi các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế mỏ; quản lý hoạt động chế biến khoáng sản trên cơ sở chặt chẽ từ khâu khai thác đến chế biến, kinh doanh.

Quản lý hoạt động kinh doanh khoáng sản và các hoạt động khác như bổ sung thêm các điều khoản quy định về sử dụng khoáng sản, quản lý thị trường khoáng sản trong nước; xuất nhập khẩu, quản lý khoáng sản có tính độc hại, có tính phóng xạ…

Tin sáng 15-9: Nhiều trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn; Gần 388 triệu USD nhập rau quả Trung Quốc - Ảnh 4.
Tin sáng 15-9: Nhiều trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn; Gần 388 triệu USD nhập rau quả Trung Quốc - Ảnh 5.
Tin sáng 14-9: Giá heo tiếp tục giảm; TP.HCM khảo sát hiệu quả sơn chống vẽ bậy Tin sáng 14-9: Giá heo tiếp tục giảm; TP.HCM khảo sát hiệu quả sơn chống vẽ bậy

TTO - Giá heo hơi nhiều nơi giảm xuống dưới 60.000 đồng/kg; Đề nghị kiểm tra quốc tịch các cổ đông của IPP Air Cargo; TP.HCM khảo sát hiệu quả sơn chống vẽ bậy... là những tin tức trong nước đáng chú ý sáng nay.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên